95% bề mặt đại dương sẽ biến đổi vào cuối thế kỷ này
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:00, 31/08/2021
Đại dương là một phần của Trái Đất và có vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Đây là nơi cung cấp nguồn năng lượng, tài nguyên, thực phẩm dồi dào cho con người. Biển và đại dương cũng là nơi hình thành những tuyến giao thông hàng hải huyết mạch, vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa trên thế giới… Tuy nhiên, biển và đại dương cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các đại dương trên thế giới hấp thụ khoảng 1/3 lượng khí thải carbon trên thế giới tạo ra từ Cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, với lượng khí thải trong không khí gia tăng với tốc độ chưa từng có trong ít nhất là 3 triệu năm, có những lo ngại rằng khí hậu bề mặt đại dương có thể trở nên ít thân thiện hơn với các loài động vật biển.
Các điều kiện sống trên bề mặt đại dương có thể biến mất vào năm 2100. (Ảnh: IUCN)
Trong bối cảnh đó, các tác giả nghiên cứu xem xét hai kịch bản có thể xảy ra. Đầu tiên, đỉnh điểm phát thải khí nhà kính sẽ xảy ra vào năm 2050, sau đó các chỉ số sẽ giảm xuống. Thứ hai, lượng khí thải sẽ phát triển ổn định cho đến cuối thế kỷ XXI.
Theo kịch bản đầu tiên, 35,6% bề mặt đại dương sẽ bị biến đổi. Trong trường hợp xấu nhất, con số này có thể là 95%.
Các nhà khoa học cho rằng, nước sẽ nóng lên, độ pH giảm xuống – môi trường bị axit hoá mạnh hơn. Ngoài ra, sẽ có ít aragonit trên bề mặt đại dương – một loại khoáng chất giúp san hô sinh trưởng và các sinh vật biển khác sử dụng để tạo thành vỏ.
Điều này có nghĩa là các sinh vật biển sẽ phải thích nghi bằng cách chìm xuống gần đáy hơn. Tuy nhiên, khả năng thích ứng với điều kiện mới sẽ bị hạn chế do sự nóng lên và axit hóa gần như đồng đều của nước
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Katie Lotterhos tại Trung tâm Khoa học Biển của Đại học Northeastern (Mỹ) nhấn mạnh, sự thay đổi thành phần của đại dương do ô nhiễm carbon có thể sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loài trên bề mặt. “Vì vậy, nếu không giảm thiểu phát thải khí carbon, hàng loạt các dạng khí hậu mới trên bề mặt biển sẽ phổ biến trên toàn cầu vào năm 2100”, Katie Lotterhos cảnh báo.
Hồng Trang