Bão số 5 gây thiệt hại tại nhiều địa phương miền Trung, Tây Nguyên

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 13/09/2021

Moitruong.net.vn – Báo cáo nhanh ngày 13/9 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, bão số 5 đã gây mưa lớn tại nhiều địa phương miền Trung, Tây Nguyên.

Do ảnh hưởng của bão số 5, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa phổ biến 400 – 650mm, đặc biệt một số trạm mưa lớn như: Bình Tân (Quảng Ngãi) 908mm; Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 772mm; Tam Trà (Quảng Nam) 772mm; Hòa Khê (Đà Nẵng) 611mm.

Các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum cómưa với lượng thấp hơn, từ 200 – 300mm. Một số trạm mưa lớn như: Triệu Ái (Quảng Trị) 421mm; 373mm; Đắk Na (Kon Tum): 340mm… Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định có mưa từ 100 – 200mm.

8.160ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Ảnh báo Chính phủ

Dù chỉ tác động trong ít ngày, tuy nhiên, bão số 5 cũng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, nghiêm trọng hơn cả là 2 trường hợp bị chết do nước cuốn trôi ở Kon Tum và Quảng Ngãi. 5 tàu thuyền và 7 ghe nhỏ cũng bị chìm trong khu neo đậu.

Đến sáng nay (13/9), ít nhất 131 nhà dân và 7 điểm trường học, nhà văn hóa bị tốc mái, hư hại; nhiều nhất là tại Quảng Trị 50 nhà; Quảng Ngãi 43 nhà. 792 nhà dân bị ngập; đến nay nước đã cơ bản rút dần. Người dân đang quay trở lại khắc phục hư hỏng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Bà con nông dân các địa phương cũng chịu tổn thất lớn với ít nhất 8.160ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 28ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Mưa lớn cũng khiến sạt lở 1,5km kênh mương và 1,8km bờ sông, bờ biển; 1 đập tràn bị hư hỏng; 1 cầu tạm, 4 ngầm tràn bị cuốn trôi; 38 điểm giao thông bị sạt lở nhỏ; 1 trạm biến áp bị hư hại; 128 cây xanh bị gãy đổ…

Văn phòng Thường trực yêu cầu các bộ ngành địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại nội dung văn bản số 6384/VPCP-NN ngày 12/9/2021.

Cụ thể, khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.

Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, các bộ, ngành, các địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ động tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 5. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có tình huống….

Hoàng Anh

Hoàng Anh