Nhiều địa phương miền Trung ‘cấm biển’, sẵn sàng phương án di dời dân
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 23/09/2021
Sáng 23/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có công điện ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó; thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 10h ngày 23/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè và hoàn thành công tác này trước 19h ngày 23/9.
Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng phát thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá… cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu… để chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Các huyện, thị xã, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng các lực lượng phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc…
Quảng Ngãi còn 644 tàu đang hoạt động trên biển
Cũng trong sáng 23/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại từ 11h ngày 23/9 cho đến khi thời tiết ổn định.
Đối với các tàu, thuyền vào bờ tránh trú, phải neo đậu an toàn và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Các huyện, thị xã, thành phố ven biển, nhất là các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi thông báo, hướng dẫn chủ động chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở, nhà xưởng để đảm bảo an toàn.
Các địa phương kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện đang có 664 tàu thuyền với 4.272 lao động đang hoạt động trên biển.
1.227 tàu thuyền ở Đà Nẵng đã neo đậu trong bờ
Sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Đà Nẵng ban hành công điện ứng phó với ATNĐ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay đã có 1.227 tàu thuyền neo đậu trong bờ. Trong số này có 203 tàu thuyền ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn 15 phương tiện với 112 lao động hoạt động trên biển. Trong đó, có 6 phương tiện với 49 lao động nằm trong vùng nguy hiểm, đã yêu cầu di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời, Đà Nẵng cũng thông báo lệnh cấm xuất bến với các phương tiện. Di dời 20 tàu dầu ra khỏi âu thuyền Thọ Quang để chống va đập, cháy nổ. Thông báo các tàu cá và tàu du lịch trên sông Hàn di chuyển về phía thượng nguồn. Tổ chức bộ đội giúp dân đưa thuyền thúng lên bờ, chằng chống nhà cửa…
Hoàng Anh