ĐBSCL trước nguy cơ sạt lở, người dân gặp nhiều khó khăn
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 27/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Tình hình sạt lở sông, biển cù lao tại ÐBSCL đã và đang diễn biến rất xấu và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Các địa phương đang đau đầu tìm nguồn vốn để xây dựng các cụm, tuyến dân cư để đưa dân vùng sạt lở vào ở, nhưng thực tế dân ở đây “sống không nổi” phải rời quê tha phương cầu thực.
>>> Gia Lai: Khẩn trương khắc phục bãi rác ô nhiễm la Yok
>>> Đà Nẵng: Dự án Phương Trang trở thành “bãi rác” đổ xà bần, UBND quận Liên Chiểu đang ở đâu?
Người dân trục vớt nhà bị sụp xuống sông. Ảnh: Hoà Hội.
Tình trạng sụp lún, sạt lở đất ven sông xảy ra ở khắp các địa phương ven biển trong tỉnh Cà Mau. Ông Lê Thanh Triều, giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Các điểm sạt lở xảy ra ở khu vực đông dân cư, ngã ba sông, thuận tiện buôn bán “trên bến dưới thuyền”. Vì thế, khi chuyển bà con đi nơi khác rất khó khăn trong việc giải quyết sinh kế cho họ”.
Cà Mau có hơn 10.000 km chiều dài sông, rạch…bậc nhất vùng ÐBSCL. Nếu mỗi năm, hai bên bờ sông lở sâu vào bờ một tấc (10 cm) thì bình quân, trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh mất đi khoảng 2.000 ha đất ven sông, bằng diện tích đất sản xuất của một xã cỡ lớn ở Cà Mau.
Xã cù lao Tân Bình, huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) 5 năm trước từng là điểm nóng về sạt lở. Sóng đánh vào bờ cù lao nham nhở, cuốn mất nhiều nhà cửa, cây cối. Ðặc biệt là trận lở lớn nhất hồi năm 2013 cuốn nhiều căn nhà xuống sông, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm hộ dân. Ngay sau đó, UBND tỉnh Ðồng Tháp xây dựng tuyến dân cư tại xã Tân Bình, cách sông Tiền gần cây số. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo di dời ngay trên 600 hộ dân ven sông vào tuyến dân cư này.
Chủ tịch UBND xã Tân Bình, Nguyễn Minh Bằng giới thiệu, xã đã hoàn thành xong việc đưa dân vùng sạt lở vào 3 cụm, tuyến dân cư an toàn cách nay hơn 3 năm. “Ðến nay trên toàn địa bàn xã cặp sông Tiền khoảng 8 km không còn hộ dân nào bị ảnh hưởng nữa”, ông Bằng nói.
Ông Đặng Văn Như (ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, H.Mỹ Xuyên) cho biết trước đây sông Thạnh Mỹ rộng khoảng 40 m nhưng những năm qua bị sạt lở nhiều nên bây giờ có nơi sông rộng trên 70 m. Hồi trước, nhà ông Như cách bờ sông khoảng 50 m, nay chỉ còn khoảng 3 m. “Đã có 4 căn nhà bị sụt xuống sông khiến 4 gia đình phải dời đi nơi khác, có người bỏ xứ lên TP.HCM sống bằng nghề làm thuê. Riêng nhà của tôi đã phải dời 2 lần, bây giờ không biết dời đi đâu nữa”, ông Như nói.
Một hộ dân ở đây cho hay: “Hồi trước từ tỉnh lộ 936 có con đường đi vào khu dân cư rộng mấy mét, dù chưa được tráng xi măng nhưng đi lại cũng rất thuận tiện. Trên con đường này cũng có cây cầu bê tông trị giá hàng trăm triệu đồng, nhưng đã bị sông nuốt hết đường, nuốt luôn hai đầu mố cầu khiến người dân không đi qua cầu được nữa. Bây giờ bà con phải đi men bờ sông, và cũng không còn chạy xe gắn máy được nữa”.
Ông Bùi Tấn Mẫn, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, cho biết: “Trước tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương đã khảo sát và đề nghị các ngành chức năng xem xét, có biện pháp gia cố lại các điểm bị sạt, nhất là khu vực ở cầu Hòa Lý để bảo đảm an toàn cho cây cầu trên con đường huyết mạch từ trung tâm H.Mỹ Xuyên về các xã Ngọc Đông, Ngọc Tố, Hòa Tú.… Còn với các hộ dân, địa phương vận động bà con di dời ra khỏi vị trí sạt lở nguy hiểm hoặc làm bờ kè”.
Đại diện cho nhiều hộ dân, bà Nguyễn Thị Kiên mong muốn: “Bà con chúng tôi rất mong chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng sớm có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở để chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất”.
Minh Minh (T/h)