Quảng Ngãi: Dân bất an vì biển xâm thực

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:05, 24/10/2021

Moitruong.net.vn – Biển xâm thực thời gian qua đã cuốn trôi nhiều diện tích rừng dương và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân vô cùng bất an, lo lắng.

Xem VIDEO: Quảng Ngãi: Dân bất an vì biển xâm thực

Theo người dân phản ánh, khoảng 2 năm trở lại đây tình trạng sạt lở bờ biển ở thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu ngày càng nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều đất đai, hoa màu, nguy hiểm hơn là đe dọa đến nhà ở, tính mạng của nhiều hộ dân. Ông Võ Văn Phát dẫn chúng tôi ra bãi biển sau nhà cho biết, để khắc phục tình trạng sạt lở, gia đình ông đã đầu tư xây dựng bờ kè bằng đá và bê tông với chiều dài khoảng 50m để chống sạt lở. Tuy nhiên trong các đợt mưa bão vừa qua, sóng biển đã đánh sạt bờ kè, làm gãy từng đoạn, đe dọa trực tiếp đến nhà ở của gia đình ông.

“Mùa mưa bão nào biển cũng lấn sâu vào đất khoảng 5m. Bão số 9 năm 2020 đã xâm thực khoảng 20m, cộng với thủy triều dâng cao, sóng mạnh đã ập sát vào nhà rất nguy hiểm. Bão số 9 còn làm hỏng hoàn toàn đoạn kè mà gia đình tự xây dựng, gia cố. Nên giờ chúng tôi chỉ mong nhà nước đầu tư làm kè, chứ như thế nay thì nguy hiểm” ông Phát lo lắng.

Ông Võ Văn Phát lo lắng về xâm thực đe dọa trực tiếp đến nhà ở của gia đình ông

Cùng chung tâm trạng như ông Phát, gia đình bà Đỗ Thị Sự sinh sống ven biển nơi đây cũng đang nơm nớp với nỗi lo biển xâm thực.

“Xây kè rồi mà cũng sợ lắm, không dám ở vì không bảo đảm, không chắc chắn nên mong nhà nước xây bờ kè chắn sóng đảm bảo để sống. Đây là xây tạm bợ, chứ mùa biển động, bão vào là không dám ở. Ở đây năm nào cũng vậy, bão về là sợ, sợ sóng lên tới nhà, cuốn trôi đi hết nên lo chèn, cuối năm cứ lo mãi vậy” bà Sự cho hay.

Mỗi khi vào mùa mưa bão, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, thủy triều dâng cao, sóng biển đánh mạnh có thể cuốn trôi nhà ở, tính mạng của nhiều hộ dân nơi đây bất cứ lúc nào. Gia đình bà Bùi Thị Trang nằm sát mép biển, nhưng không có điều kiện để xây kè chắn sóng, nỗi lo sợ của bà càng một lớn hơn khi mùa mưa bão lại về.

“Bắt đầu tháng 9 âm lịch là trong người luôn bị ám ảnh, lo chạy trước, chứ không chạy là mất mạng vì ngọn sóng nó dâng vào phủ 4-5m nước, phủ nhà bên sập luôn. Bây giờ tôi mong muốn nhà nước, các cấp, quan tâm đến người dân xây kè để người dân ven biển như bà yên tâm ở, phát triển kinh tế” bà Trang cho biết.

Người dân tự bỏ tiền xây kè tạm để bảo vệ đất đai, tài sản của gia đình

Tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng khi nước biển lấn sâu vào đất liền, nhiều nơi sạt lở vào từ 40-50m. Rừng dương phòng hộ, đất đai, đường dân sinh của khu dân cư đã bị sóng biển cuốn trôi. Tình trạng này đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Ông Nguyễn Dừa (53 tuổi), trưởng thôn Châu Thuận Biển cho biết, khu dân cư hiện có 5 con đường dân sinh để đi ra biển, giờ bà con không thể đi được vì sóng biển đánh sạt lở. Nếu tình trạng này kéo dài, biển càng ăn sâu vào khu dân cư, đời sống người dân không thể ổn định.

Bình Châu là xã bãi ngang ven biển, hiện có 9km bờ biển thuộc các thôn Châu Thuận Biển, Châu Thuận Tây và xóm Châu Tân, thôn Châu Me, hằng năm thường xuyên bị sóng đánh, làm sạt lở bờ biển, cuốn trôi nhiều đất đai, hoa màu, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.

Biển xâm thực làm hư hỏng tuyến đường bê tông ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu

Theo ông Phùng Bá Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, bờ biển thuộc địa bàn các thôn Châu Thuận Biển, Châu Thuận Tây và xóm Châu Tân (thôn Châu Me) bị sạt lở từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng.

“Khoảng 8 năm gần đây, biển đã xâm thực vào đất liền từ 50 – 100m, đặc biệt qua các cơn bão lớn như cơn bão số 9 năm 2020. Hiện nay, có khoảng 1.000 hộ dân ở các khu vực nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng của nhân dân” ông Vương cho hay.

Một số diện tích rừng dương phòng hộ, đất đai, đường dân sinh của khu dân cư đã bị sóng biển cuốn trôi

Với diễn biến sạt lở, xâm thực bờ biển phức tạp như hiện nay, về lâu dài, địa phương kiến nghị UBND tỉnh, trung ương khảo sát thực tế để có giải pháp xây kè chống sạt lở vùng ven biển để đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Như Đồng

Như Đồng