Đồng bằng Sông Cửu Long: Nguy cơ xâm nhập mặn có thể đến sớm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:30, 04/11/2021
Hiện nay, cơ bản đã hết mùa mưa, bình quân lượng trữ các hồ chứa trên lưu vực mới chỉ đạt từ 70-80%. Do đó, việc vận hành tích nước, xả ít có thể xảy ra ở các tháng cuối năm làm mực nước Biển Hồ suy giảm nhanh. Nguy cơ nguồn nước về giảm thấp làm xâm nhập mặn trong mùa khô năm kế tiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sớm có khả năng xảy ra ở tháng 2, tháng 3, nhưng mức độ không nghiêm trọng như ở các năm 2016 và 2020. Do đó, các địa phương cần chủ động các giải pháp chuyển đổi cơ cấu và chủ động phòng tránh hạn mặn.
Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sớm có khả năng xảy ra ở tháng 2, tháng 3.
Dự báo, về lũ đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước lớn nhất tháng 11 xuất hiện vào khoảng từ ngày 6-7/11, tại Tân Châu dao động ở mức từ 2,65-2,7 m, thấp hơn khoảng từ 0,8-0,85 m so với báo động 1 là 3,5m; thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,39-0,44 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng từ 0,05-0,10 m.
Về lũ nội đồng, vùng thượng có mực nước dự báo biến đổi từ 0,5-2,7 m, dưới mức báo động 1 khoảng 0,2 – 0,8 m. Vùng giữa có đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2 đến báo động 3 và một số trạm trên báo động 3. Vùng ven biển thì đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3.
Do lũ chính vụ và lũ tháng 11 ở mức thấp, về cơ bản các khu vực ô bao sản xuất vụ Thu Đông đều không bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm triều cường ở mức khá cao nên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển, đặc biệt là trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn.
Dự báo mức nước cuối mùa lũ (30/11), tại đầu nguồn sông Cửu Long có mực nước lớn nhất vào cuối mùa lũ ngày 30/11 đạt khoảng 1,88 m tại Tân Châu, thấp hơn khoảng 1,62 m so với báo động 1 là 3,5m, thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 0,39 m, xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2020.
Hoài Phi