Quảng Nam: Đề xuất đầu tư 100 tỷ đồng hỗ trợ người dân xây nhà chống bão, lũ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 10/11/2021
Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam trong công tác chăm lo cho người nghèo, giúp hàng chục ngàn người dân được an tâm, an toàn hơn trong mùa mưa bão.
Đối tượng được hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hộ nghèo; hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có chỗ tránh trú bão, lũ; hộ do phụ nữ đang làm chủ hộ; hộ dân tộc thiểu số; chủ hộ là người khuyết tật hoặc già cả, neo đơn. Các hộ gia đình được hỗ trợ đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão lụt thuộc khu vực nông thôn. Tỉnh Quảng Nam dự kiến chi 100 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho 10.000 hộ dân với mức 10 triệu đồng/chòi hoặc phòng trú bão, lũ. Ngoài ra, các địa phương kết hợp các nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân. Các hộ dân có thể xây mới chòi/phòng trú bão, lũ theo mẫu thiết kết của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam hoặc xây thêm gác tránh bão, lũ trên căn nhà hiện tại.
Ảnh minh họa
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nói rằng người dân trên địa bàn huyện hết sức phấn khởi với quyết sách của tỉnh. Là vùng “rốn lũ” ở tỉnh Quảng Nam, Đại Lộc chính là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ nghị quyết này. Hiện UBND huyện đã tập hợp danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai vào thực tế.
Tính từ năm 2009 đến nay, Quảng Nam đã thực hiện 5 chính sách dành cho người nghèo với tổng cộng 22.388 hộ dân được hỗ trợ nhà ở, gồm: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg (18.014 hộ); Chương trình xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt theo Quyết định 716/QĐ-TTg (100 hộ); Chương trình theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (1.795 hộ); Chương trình theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (2.043 hộ); Chương trình theo Dự án GCF, kéo dài Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (436 hộ).
Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngôi nhà ba gian truyền thống và nhà rường có kết cấu là những vật liệu với tuổi thọ ngắn, kém chất lượng, sẵn có tại địa phương; nhà có cấu tạo đơn giản, không có liên kết giằng cho nhà cửa. Kết cấu mái chủ yếu làm bằng vật liệu gỗ đã mục nát, mối mọt nhiều không đảm bảo tính mạng của người sử dụng. Trong khi đó, phần lớn các hộ gia đình có nhà xuống cấp trầm trọng nhưng không có khả năng gia cố, tu sửa hoặc xây dựng lại; đôi khi chỉ gia cố nền móng, tu sửa từng phần khi có kinh phí trông rất tạm bợ. Hằng năm, bão đổ bộ vào tàn phá hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa; lụt từ 1 – 2 cơn; triều cường, xâm thực mặn, hạn hán, sạt lở đất. Trải qua các đợt thiên tai, phần lớn nhà ở không đủ khả năng chống chịu với bão, lụt nên rất nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.
Qua các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở, giúp đồng bào đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, Bên cạnh đó tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng được phát huy từ công tác vận động hỗ trợ, đóng góp.
Hoàng Anh