Tia cực tím ở Trung Bộ và Nam Bộ duy trì ngưỡng gây hại cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:25, 10/12/2021
Ngày 10/12, chỉ số tia cực tím tại thành phố Hà Nội là 3, thành phố Hải Phòng là 4, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là 4.1, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) là 6.1, thành phố Đà Nẵng là 5.6, thành phố Hội An (Quảng Nam) là 6.7, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là 5.6, Thành phố Hồ Chí Minh là 6.5, thành phố Cần Thơ 7.3, thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 7.2.
Dự báo từ ngày 11- 13/12, chỉ số này ở khu vực Bắc Bộ có xu hướng tăng trong ngày lên mức nguy cơ gây hại cao, sau đó giảm xuống mức trung bình.
Riêng Thủ đô Hà Nội chỉ số tia cực tím những ngày tới duy trì ở mức trung bình. Khu vực Nam Bộ, chỉ số này có xu hướng tăng dần lên ngưỡng nguy cơ gây hại cao.
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao. Ở mức rất cao, tia UV có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp liên tục trong 25 phút.
Tia cực tím ở Trung Bộ và Nam Bộ duy trì ngưỡng gây hại cao. Ảnh minh họa.
Chỉ số từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Về chất lượng không khí, ngày 10/12, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí dao động ở ngưỡng có hại.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, ô nhiễm không khí do thời tiết nắng, hanh khô, nhiệt độ có xu hướng tăng lên nhưng tốc độ gió lại giảm, dẫn đến nồng độ các chất ô nhiễm được khuếch tán trong không khí, nhiều trạm tích tụ chất ô nhiễm khiến chỉ số chất lượng không khí tăng.
Trong các khung giờ cao điểm, người dân di chuyển nhiều trên đường, nồng độ các chất ô nhiễm tiếp tục tăng khiến chất lượng không khí duy trì ở mức xấu.
Người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời, không tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm và chiều tối trong điều kiện chất lượng không khí gây hại cho sức khỏe con người.
Hồng Anh