Thảm họa Indonesia: Nguyên nhân do đâu?

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:00, 04/10/2018

(Moitruong.net.vn) – Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần sớm thì địa hình trũng, tốc độ sóng thần khủng khiếp và lở đất ngầm đã góp phần làm tăng thảm họa nơi đây.

Quảng Bình: Dân than trời từ những điểm tập kết rác ô nhiễm bên QL 1A

Đức: Chủ trương giảm ô nhiễm không khí do xe động cơ diesel

Quang cảnh điêu tàn ở Palu sau động đất, sóng thần. Ảnh: AFP/Getty.

Tính đến ngày 3-10, số người chết trong thảm họa kép động đất-sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) là gần 1.400 người. Thực tế, con số sẽ còn tăng lên mỗi ngày và có thể lên đến hàng ngàn bởi còn rất nhiều người chưa biết tin tức và nhiều nơi chưa thể tiếp cận cứu hộ.

Trước đó, chiều 28-9, Sulawesi hứng hai trận động đất cách nhau vài giờ. Trận đầu mạnh 6,1 độ Richter xảy ra lúc 3 giờ chiều gần Donggala, cách Palu 55 km về phía Bắc. Trận thứ hai mạnh 7,4 độ Richter (được điều chỉnh giảm sau con số ban đầu là 7,5 độ Richter) xảy ra lúc 5 giờ 2 phút chiều, cũng gần Donggala, xa hơn về phía Bắc, cách Palu 80 km. Trận động đất thứ hai đã kích thích sóng thần và theo truyền thông thì sóng thần là nguyên nhân gây thương vong nhiều nhất.

Địa hình bất lợi

Đầu tiên, theo các chuyên gia, chính địa hình của Palu đã đẩy cao sự tàn phá, mức độ chết chóc của các con sóng, dẫn đến số người chết quá cao. Cụ thể, địa hình Palu quá thấp, quá trũng, lại trải dài (2 km).Palu nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 80km về phía Nam, nép mình bên trong một con vịnh kéo dài. Chính vịnh này đã đóng vai trò như một đường dẫn, đưa các con sóng thần hung dữ đánh thẳng vào thành phố.

Quy mô và độ nông sâu của trận động đất.

7,5 độ Richter là cường độ rất mạnh, chỉ xảy ra rất ít lần mỗi năm. Hơn nữa, tâm chấn trận động đất 7,5 độ Richter này lại rất nông, chỉ 10 km. Tệ hơn nữa là sự nứt gãy lại xảy ra quá gần bờ biển khiến các ngọn sóng thần không có thời gian, không gian giảm bớt sức mạnh, sức tàn phá trước khi đánh vào Palu.

Sức phá hủy của sóng thần đã được đẩy lên cao cùng với sự lở đất ngầm bên dưới Palu.

Theo chuyên gia Kane Cunneen (ĐH Curtin, Tây Úc) thì “trận động đất có thể đã gây ra một trận lở đất ngầm gần miệng vịnh, thậm chí giữa vịnh”. Theo bà, có một luồng nước ngầm kỳ lạ và dài từ biển nối vào Palu, luồng nước này đã thấm vào các bức tường công trình nhà cửa Palu. Điều này giải thích tại sao các đợt sóng có sức tàn phá rất mạnh ở Palu nhưng lại yếu nhiều ở các khu vực xung quanh. “Các sự kiện này rất khó đoán được với hệ thống cảnh báo sóng thần hiện tại chủ yếu dựa vào đánh giá nhanh về cường độ và địa điểm xảy ra động đất” – bà Cunneen nói.

Người dân còn chủ quan

Indonesia có lịch sử động đất, sóng thần gây thương vong và thiệt hại khủng khiếp. Theo SBS, nguyên nhân ngoài những điều đã đề cập bên trên còn vì nhận thức đối phó cảnh báo của người dân còn thấp.

Theo nhà chức trách Indonesia thì hàng trăm người có mặt ở Palu chuẩn bị tham dự một lễ hội biển dự kiến diễn ra vào tối 28-9 vẫn “chưa bỏ chạy ngay” sau động đất. Các đoạn video do người dân Palu quay lại cho thấy sau động đất vẫn còn người và xe ở một con đường đối diện bãi biển và sóng thần đang tràn vào.

Hệ thống cảnh báo có vấn đề

Tờ New York Times cho hay, cảnh báo sóng thần sau động đất có thể đã được dỡ bỏ quá sớm khiến cho người dân địa phương mất cảnh giác, dẫn đến hậu quả thêm nặng nề.

Theo BBC , Indonesia có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần với đồng hồ đo thủy triều, gia tốc kế và các trạm đo đạc địa chấn. Tuy nhiên, hệ thống này dường như thiếu sự bảo trì và đưa ra đánh giá thấp về độ nguy hiểm của trận sóng thần hôm 28/9.

Quay trở lại năm 2004, trận động đất mạnh thứ ba trong lịch sử đã kích hoạt những cột sóng cao tới 30m, giết chết hơn 230.000 người ở 14 quốc gia với phần lớn thương vong ở Indonesia. Sau thảm họa kép đó, Indonesia đã thành lập một cơ quan quản lý thiên tai mới để xử lý hậu cần và phối hợp các nỗ lực cứu trợ. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn đang được thử nghiệm.

Hàn Mặc (T/h)

Hàn Mặc (T/h)