COP26 – Kỳ vọng những “cánh cửa” mới để phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:00, 01/02/2022

Moitruong.net.vn – Trong khuôn khổ COP26, Việt Nam – một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu đã phát đi thông điệp về mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Là sự kiện quan trọng hàng đầu về khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

COP26 và dấu ấn Việt Nam

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) là nơi hàng nghìn nhà lãnh đạo khu vực công và tư thảo luận và đặt ra các mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Từ đó, thúc đẩy tính bền vững đối với kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia, đáp ứng Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. Ảnh TTXVN

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn chia sẻ: “Thông qua các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết liên quan việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải methanen toàn cầu, và Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.

Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả, chia sẻ công nghệ xanh, quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm khí nhà kính, TS. Tùng bày tỏ.

Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải tại Hội nghị COP26 rất mạnh mẽ và được các đối tác hoan nghênh, đón nhận, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tham gia có trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Có thể nói, thông qua những cam kết của Việt Nam tại COP26 thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững

Hội nghị COP26 có thể mở ra nhiều cánh cửa mới cho Việt Nam và các doanh nghiệp để có những khung quy chuẩn chung, đồng thời kết nối với các phát kiến, ứng dụng tiên tiến trên thế giới, cải tiến quá trình vận hành, nâng cao hiệu suất lao động, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, và đặc biệt là bền vững với môi trường và cộng đồng. Đây được xem là một nội dung quan trọng trong khung chương trình hành động của Chính phủ khi Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển bền vững là một trong các ưu tiên hàng đầu.

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải

Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng “0”.

Nói như Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng: “Với những cam kết mạnh mẽ và sự đóng góp có trách nhiệm tại COP 26, Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội phát triển kinh tế bền vững thông qua tăng trưởng ít phát thải, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là xu thế phát triển toàn cầu, đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển thế giới”.

Có thể khẳng định, Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. TS. Song Tùng nói thêm: “Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển”.

TS. Song Tùng cũng nhân định: “Đặc biệt, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo. Vì thế, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết bởi các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo, đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư và tín dụng của các tổ chức tín dụng – tài chính trên thế giới… đồng thời tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoá thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi…”

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, ông Nitin Kapoor cho rằng, Việt Nam đã có những sáng kiến đột phá trong việc áp dụng và tận dụng năng lượng tái tạo trên cả nước, trở thành một điển hình hàng đầu ở Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Nhiều dãy tua-bin gió ở các vùng ven biển Bình Định, Ninh Thuận… đã đánh dấu một kỷ nguyên mới về sản xuất và tiêu thụ điện có ý thức hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Song Tùng dẫn chứng, đầu tháng 12/2021 vừa qua, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc xây dựng một nhà máy mới 1 tỷ USD ở tỉnh Bình Dương – đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn. Không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư lớn từ châu Âu, dự án của LEGO còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 8 tỷ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại như năng lượng hydro tại Việt Nam.

Hành động của Việt Nam thực hiện các cam kết môi trường

Chúng ta biết rằng, nội dung quan trọng nhất của Thoả thuận Paris quy định việc các bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai.

Theo TS. Song Tùng: “Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia; mức đóng góp 9% này có thể được tăng lên thành 27% so với BAU quốc gia khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. NDC cập nhật 2020 thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện trách nhiệm của bên tham gia Công ước và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.

Trước khi tham dự COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050 nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. “Đây là nền tảng và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới”, TS. Song Tùng nhận định.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP 26 là minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế trong các vấn đề toàn cầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm như biến đổi khí hậu, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung để giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Lương Nguyễn

Lương Nguyễn