Indonesia: Thảm họa kép động đất, sóng thần khiến giới khoa học bàng hoàng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:00, 02/10/2018
(Moitruong.net.vn) – Các nhà khoa học vô cùng bất ngờ trước quy mô của đợt sóng thần ở miền Trung đảo Sulawesi, Indonesia tuần qua khi các ngọn sóng cao đạt sức tàn phá vượt những dự đoán thông thường. Mặt đất hóa lỏng sau thảm họa kép, dân Indonesia hoảng loạn tháo chạy.
>>>Tường thuật: Chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” – Chủ đề “Hạn hán và Xâm nhập mặn” tại Hải Phòng
>>>Trung Quốc: Hơn 1,1 triệu người chết trẻ mỗi năm do ô nhiễm không khí
Theo Dailymail, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 30/9 cho thấy, nhiều gia đình ở thành phố Palu hoảng loạn bỏ chạy khi nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh họ lần lượt bị đổ sập và sụt lún dưới lớp bùn mềm.
Đây là nơi hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần khiến hơn 1.200 người thiệt mạng tại Indonesia.
Đất hoá lỏng là hiện tượng xảy ra đối với đất bão hoà nước hoặc đất bão hòa một phần dẫn đến mất cường độ và sức kháng, xảy ra trong các trận động đất hoặc những thay đổi điều kiện ứng suất đột ngột.
Khi đất bị hoá lỏng sẽ mất hết ma sát gây giảm đáng kể sức chịu tải của cọc hoặc biến dạng lớn cho công trình.
“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có sóng thần nhưng không ngờ quy mô lại lớn như vậy. Khi những thảm họa tầm cỡ này xảy ra, chúng ta thường phát hiện những biến động chưa từng thấy trước đó”.
Đó là nhận định của Jason Patton, chuyên gia địa vật lý học tại hãng tư vấn rủi ro thiên tai Temblor, về thảm họa kép động đất – sóng thần ở miền trung đảo Sulawesi tuần qua.
Trận động đất mạnh 7,5 độ chiều tối 28/9 có tâm chấn nằm sát bờ biển miền trung đảo Sulawesi, cách thành phố Palu gần 80 km về phía đông bắc. Gần 30 phút sau đó, khi cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG) đã rút cảnh báo sóng thần, những cơn sóng cao từ 3 đến 6 m bất ngờ ập vào bờ biển Palu.
Ở Petobo, ước tính vẫn còn hàng trăm nạn nhân bị chôn dưới bùn đất. Chỉ tính riêng ở Palu, gần 50.000 người đã bị mất nhà cửa sau động đất, sóng thần.
Vì Palu nằm quá gần vị trí tạo ra sóng thần, người dân thành phố không có nhiều thời gian để thoát thân. BMKG có phát cảnh báo sóng thần vào thời điểm động đất xảy ra nhưng đã quyết định dỡ bỏ thông báo khoảng 30 phút sau đó. Gần như cùng lúc, sóng thần ập vào thành phố Palu.
Theo CNN, nhiều chuyên gia chỉ trích rằng BMKG đã rút cảnh báo quá sớm. Trong khi đó, phía cơ quan chính phủ Indonesia khẳng định gỡ báo động chỉ sau khi sóng thần đã đánh vào Palu.
Minh An (T/h)