Nhiều tỉnh miền Tây chủ động ứng phó hạn mặn từ sớm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:30, 01/03/2022
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính qua địa bàn tỉnh hiện ở mức cao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông Mekong hơn 45-61 km. Theo dự báo, nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái trên sông Cửa Đại, Cổ Chiên và Hàm Luông. Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn đang tăng lên cấp độ 2.
Nhằm chủ động ứng phó hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đang gấp rút tuyên truyền, vận động nhân dân đắp bờ bao cục bộ, đập tạm; trữ nước mưa, nước ngọt trong các hồ, lu, bồn chứa… nhằm đảm bảo đủ nước uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
Ảnh minh họa
Thông tin với báo chí về công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2021-2022, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho hay: Ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân trữ nước ngọt, việc tổ chức thi công các cống đập ngăn mặn đã được triển khai khẩn cấp, nhất là các cống liên vùng để phục vụ cung cấp nước cho cả khu vực. Nếu tình hình hạn mặn diễn ra như năm ngoái thì Bến Tre không thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Theo ông Tam, thời gian qua tỉnh đã gấp rút làm các cống ngăn mặn. Ngay cả trong đợt dịch bệnh vừa qua tỉnh cũng chủ động cho các công trình này được triển khai. Hiện đã hoàn thành được một số cống có thể đảm bảo không bị xâm nhập mặn.
“Với những giải pháp chủ động đó, tôi tin rằng tỉnh Bến Tre sẽ giảm bớt khó khăn, thiệt hại do xâm nhập mặn. Từ đó từng bước ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” – ông Tam nói.
Tại Bạc Liêu, dự báo năm mùa khô năm 2021 – 2022 vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn khá gay gắt.
Chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn chi phí sản xuất vụ đông xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn.
Nhiều khả năng khoảng 4.000ha diện tích lúa trên đất tôm ở các địa phương như: huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, TX Giá Rai có nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung, bởi độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25‰ vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm.
Ông Nguyễn Văn Trọng, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Từ khi có cống Âu Thuyền Ninh Quới, nước mặn đã không còn ảnh hưởng gay gắt nhiều đến sản xuất của nông dân như trước đây. Nông dân luôn an tâm khi sản xuất dù vào những tháng cao điểm mùa hạn”.
Theo ông Phan Văn Hùng, Phụ trách Quản lý, vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới, hiện tại, công trình này vẫn đang vận hành đóng, mở 24/24 để kiểm soát mặn, đồng thời điều tiết lưu thông của các phương tiện giao thông thủy.
Trước diễn biến trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đưa ra 3 kịch bản là mùa khô năm 2022 (ít gay gắt, tương đương và gay gắt hơn mùa khô “lịch sử” năm 2019 – 2020). Trong đó, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị ứng phó cho tình huống mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019 – 2020.
Tại tỉnh Cà Mau dự đoán hạn mặn cũng sẽ cao điểm vào tháng 4.2022. Hiện tại mặn xâm nhập vào đất liền, nhưng chưa ghi nhận thiệt hại.
Hoàng Anh