Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 17/03/2022
Kế hoạch xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, nội dung và biện pháp tổng thể của Kế hoạch gồm: Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Ảnh minh họa
Cụ thể 8 nội dung phòng, chống thiên tai cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch gồm:
1. Nội dung liên quan đến đảm bảo không gian thoát lũ qua hệ thống đường bộ, đường sắt cần được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải.
2. Nội dung về bố trí dân cư, di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập sâu; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (công sở, trường học, trạm xá, nhà văn hóa,…) kết hợp làm nơi sơ tán phòng, tránh thiên tai cho người dân cần được lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời cần được lồng ghép trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
3. Nội dung liên quan đến phòng chống hạn hán, mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước được lồng ghép vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch lâm nghiệp và kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
4. Nội dung liên quan đến quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai (kể cả hệ thống chuyên dùng) được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn và kế hoạch phát triển ngành khí tượng thủy văn, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
5. Nội dung liên quan đến truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển các ngành thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
6. Nội dung liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển của ngành khoa học và công nghệ, kế hoạch phát triển của các ngành và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
7. Nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế cần được lồng ghép vào kế hoạch của ngành ngoại giao, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.
8. Nội dung liên quan đến xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Hoàng Anh