Hà Nam triển khai công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 19/04/2022
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp, các ngành chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính; kiên quyết giữ vững đê điều khi lũ chưa vượt quá mức lịch sử, không để mất mùa, hạn hán hoặc ngập úng khi mưa, lũ, bão chưa vượt quá khả năng của công trình; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Trong công tác tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành xây dựng, tổ chức hiệp đồng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 với các đơn vị tăng cường của Bộ Quốc phòng, Quân khu và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, trang bị, hậu cần cho các đơn vị được giao nhiệm vụ ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
UBND tỉnh Hà Nam giao ngành chức năng cùng các địa phương đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa, lũ, xây dựng phương án trọng điểm, phương án phòng chống thiên tai, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực cho phòng chống lụt bão; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; triển khai kế hoạch tuyên truyền về phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai và năng lực ứng phó, xử lý thiên tai.
Ảnh minh họa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng yêu cầu các cấp, các ngành chức năng cần tập trung khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tuyên truyền sâu rộng Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật thủy lợi; thông báo kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết để nhân dân biết, có kế hoạch đối phó; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, lưu ý các cống dưới đê, đặc biệt là tuyến đê sông con, đê bối sông Hồng, sông Đáy.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn vượt tần suất thiết kế; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi, đê điều, trong đó tập trung thực hiện dự án đầu tư xây dựng các trạm bơm khu vực thành phố Phủ Lý, dự án xử lý cấp bách sự cố nứt, lún, sụt đê tả Đáy thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm; xây dựng phương án tưới, tiêu nước cho từng vùng cụ thể; tăng cường giải tỏa vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm… Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương cần chống tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân đối với công tác phòng, chống thiên tai.
Năm 2021, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được tỉnh Hà Nam chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được đầu tư tu bổ, nâng cấp giúp nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Chỉ tính riêng hệ thống đê sông lớn (sông Hồng và sông Đáy) đã được cải tạo, gia cố mặt đê, khoan phụt vữa gia cố thân đê một số đoạn, cải tạo và sửa chữa dốc lên đê… với tổng kinh phí 20 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng, chống thiên tai được tăng cường. Các địa phương đã thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, chú trọng chuẩn bị nguồn vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng phó kịp thời ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
Dịp này, 11 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021 đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.
Thùy Linh