Việt Nam còn băn khoăn khi đánh thuế túi ni lông

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:00, 06/10/2018

(Moitruong.net.vn) – Theo các chuyên gia, việc sử dụng túi ni lông cần được hạn chế để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc áp thuế cần thận trọng để không gây nên xáo trộn trong đời sống xã hội.

Huế: Cháy dữ dội kèm nhiều tiếng nổ lớn, khói đen cao ngút

“Cường quốc” về túi ni lông

Việt Nam thuộc top các quốc gia dẫn đầu gây rác thải nhựa ra đại dương. Cùng với đó, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn.

Hiện tại, các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…, túi ni lông vẫn được ưu tiên hàng đầu trong việc chứa đựng hàng hóa.

Cụ thể, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông. Riêng tại các đô thị lớn, nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 10,48 – 52,4 tấn/ngày. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi ni lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường nhận xét, hiện nay đồ dùng và sản phẩm nhựa đã trở thành vật dụng phổ biến trong gia đình người Việt. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, số lượng chất thải nhựa cũng tăng lên đáng kể.

Nhiều báo cáo cho thấy Việt Nam đứng trong top các nước dẫn đầu về chất thải nhựa. Trong đó, chất thải nhựa phổ biến thải ra sông, ao, hồ… gây ô nhiễm môi trường do đặc tính bền vững, hàng trăm năm mới bị phân hủy. Còn nếu đốt cũng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người, cũng như ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Điều chỉnh thói quen bằng thuế hay sản phẩm thân thiện?

Nhìn chung, các cơ quan Nhà nước đã có những cơ sở pháp lý mang tính chất định hướng cho việc quản lý chất thải túi ni lông. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện còn vấn đề.

Đánh giá vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Chính, Viện trưởng viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: “Những nước phát triển không cấm sử dụng túi ni lông mà sử dụng giải pháp kinh tế, công nghệ cao và tiêu chuẩn sản phẩm thân thiện với môi trường để điều chỉnh thói quen của người dân…”

“Vì thế, việc áp thuế đối với sản phẩm túi nhựa cũng cần có sự điều chỉnh mức thuế và kết hợp với nhiều công cụ, biện pháp khác. Nếu áp mức thuế quá thấp thì không có tác dụng hoặc người dùng sẽ dần thích nghi với các loại thuế và mất dần tính hiệu quả”, ông Chính nói tiếp.

Về công cụ thị trường, PGS. TS Nguyễn Thế Chính cho rằng: “Mọi người sử dụng nhiều túi ni lông vì giá rẻ. Bên cạnh việc hạn chế sản xuất và cung ứng túi ni lông khó phân hủy, nếu có thể phổ biến được các loại túi ni lông thân thiện môi trường với giá rẻ thì đó mới là giải pháp bền vững”.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường nhưng độ phủ trên thị trường chưa phổ biến. Tính đến tháng 5 năm nay, trên thị trường đã có 43 sản phẩm của 38 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch hiệp hội Nhựa Việt Nam cho hay: “Không có quốc gia nào không quan tâm đến tái chế nhựa. Nhưng vấn đề là cần phải tìm ra hướng đi để vừa đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng”.

“Dư địa trong ngành nhựa tại Việt Nam rất lớn, nhưng 80% nguyên liệu nhựa nhập khẩu nên sức cạnh tranh còn nhiều trở ngại”, ông Lam nói tiếp. Vì thế, đại diện hiệp hội Nhựa Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nguyên vật liệu trong nước theo hướng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), từ hơn một thập kỷ qua, ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức 2 con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt khoảng 1,43 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang hơn 35 thị trường trên thế giới.

Hà Nhân/NĐT

Hà Nhân/NĐT