Hà Nội đặt mục tiêu giảm gần 20% phát thải khí nhà kính năm 2030
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 22/05/2022
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, biến đổi khí hậu có tác động đến khí hậu Hà Nội (thay đổi nhiệt độ và lượng mưa); tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước (dòng chảy tại Sơn Tây, dòng chảy tại Thượng Cát, dòng chảy tại Hà Nội); đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp, ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, y tế.
Trước thực trạng này, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng bản cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội; triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế – xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.
Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. (Ảnh minh họa)
Trong đó, ban hành các Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 2/11/2017 thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 về hành động tăng trưởng xanh của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuẩn bị nguồn lực, Thiết lập hệ thống công khai minh bạch, Xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2); Đến năm 2030: lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).
Đối với các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái hằng năm 15%/năm. Các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.
Trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025 từ 7,8 đến 8,1m2/người; năm 2030 là 13-15m2/người. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2025 từ 30 đến 35%; năm 2030 là 40- 45%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam đến năm 2025 là 100%.
Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn đến năm 2025 là: 80% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 50% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn. Đến năm 2030 là 100% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 70% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn.
Nguyệt Minh