Hà Nội: Cần nhiều biện pháp thiết thực để giữ môi trường sạch ở các khu xử lý chất thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:01, 20/10/2018
Trước những ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường đối với các hộ dân đang sống, sản xuất gần các khu xử lý chất thải rắn, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng bộ để hỗ trợ người dân. Việc làm này mang đến môi trường trong sạch cho vùng bị ảnh hưởng bởi các khu xử lý chất thải.
>>>Bồ Đào Nha cấm sử dụng sản phẩm nhựa trong cơ quan nhà nước
>>>Hà Nội: Thêm tuyến buýt từ trung tâm lên sân bay Nội Bài
Phủ kín mặt hồ chứa nước rác bằng bạt HDPE giúp ngăn mùi phát tán, tách nước mưa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), trong quá trình triển khai giai đoạn 1 phải đợi khi cả khu vực chôn lấp rác (10 ô) đạt “cốt”, thì lực lượng chức năng mới phủ bạt HDPE, đóng bãi. Việc này đồng nghĩa trong nhiều năm bãi rác hoạt động “mở”, kéo theo mùi hôi từ nước rỉ rác phát tán, bủa vây khu dân cư. Trước tình hình này, 2 năm trở lại đây, công tác giảm ô nhiễm môi trường đã được Khu liên hợp chú trọng ngay từ đầu. Theo đó, cùng với phủ kín mặt hồ chứa nước rác bằng bạt nhựa cao cấp nhập khẩu để ngăn mùi phát tán, tách nước mưa; việc vận hành các ô chôn lấp được đổi mới theo hướng ô chôn lấp nào đạt “cốt” thì tiến hành phủ bạt kín ngay… Nhờ vậy, ô nhiễm môi trường đã giảm rõ rệt.
Với khu vực dân cư, đặc biệt là các thôn, hộ dân, đơn vị tiếp giáp với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công tác phòng dịch được các địa phương trên địa bàn đảm trách. Trong đó, công tác giám sát với sự tham gia của người dân được thực hiện đồng bộ. Ông Nguyễn Ngọc Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, từ tháng 3-2018, theo quyết định của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, 3 xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng môi trường (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) đã thành lập Tổ giám sát nhân dân, lần lượt tổ chức giám sát hoạt động tại bãi rác. Qua báo cáo và đánh giá của Tổ giám sát, khu xử lý rác cơ bản vận hành bảo đảm theo quy định; ô nhiễm, độ khuếch tán ô nhiễm không khí giảm đi nhiều so với trước đây.
Công tác an sinh xã hội trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ các khu xử lý chất thải cũng được đặc biệt quan tâm. Tại huyện Sóc Sơn, hằng năm, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đều tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng đều có nước sạch sử dụng (cấp miễn phí 3m3 nước đầu tiên). Công tác tái định cư, di dân đối với các hộ dân nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng 500m cũng đang được các cấp chính quyền cơ sở triển khai…
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) – đơn vị vận hành 2 khu xử lý chất thải rắn lớn của thành phố cũng có chính sách hỗ trợ người dân khu vực. Tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, hằng năm, URENCO đều dành tiền hỗ trợ các hoạt động dân sinh của 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, như: Quỹ khuyến học, xây dựng cơ sở vật chất; quét đường, tưới nước rửa đường, phát quang bụi rậm…
Tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo ông Nguyễn Hữu Tiến – Giám đốc URENCO, đơn vị đang đổi mới cách thức vận hành và chôn lấp bãi rác theo đúng phương pháp chôn lấp rác kín hợp vệ sinh, hạn chế tối đa phát tán mùi. Công ty cũng ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc; hằng tuần cùng người dân tổ chức tổng vệ sinh khu vực xung quanh…
Không chỉ thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm, TP Hà Nội còn hỗ trợ bằng tiền, nhằm bù đắp một phần ảnh hưởng đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường xung quanh các khu xử lý chất thải rắn. Đây là chính sách đặc thù của Hà Nội mà chưa có địa phương nào trên cả nước thực hiện. Đặc biệt, mới đây (ngày 5-7-2018), HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố. Ngoài điều chỉnh tăng mức hỗ trợ, Nghị quyết có một số điều chỉnh quan trọng về phạm vi ảnh hưởng, đối tượng được hưởng hỗ trợ. Việc ban hành quy định thống nhất mức hỗ trợ là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải trên địa bàn thành phố.
Dạ Khánh/HNM