Nhóm G7 dự kiến sẽ xem xét cam kết từ bỏ việc sử dụng than đá vào năm 2030
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 27/05/2022
Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng Nhóm G7 về môi trường, khí hậu và năng lượng
Nhiều nguồn tin cho thấy các bộ trưởng nhóm G7 sẽ thảo luận một loạt chủ đề như hành động chung của G7 thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp ước khí hậu Glasgow, tài chính khí hậu, cách thức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo, khử CO2 trong các lĩnh vực điện, giao thông, công nghiệp và xây dựng, phát triển hydro xanh và bền vững; hợp tác quốc tế ngoài G7…
Các Bộ trưởng G7 sẽ thảo luận về bảo vệ khí hậu, năng lượng và môi trường. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chủ đề thảo luận gồm khuôn khổ toàn cầu mới để bảo vệ đa dạng sinh học, đa dạng sinh học biển (BBNJ) và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực, thiết lập thêm các khu bảo tồn biển và các tiêu chuẩn môi trường trong khai thác dưới đáy biển, thỏa thuận toàn cầu về chất thải nhựa, thỏa thuận quản lý hóa chất ở các nước G7 và một số nội dung khác.
Cuộc họp các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G7 diễn ra trong một thời điểm “nhạy cảm”, khi biến đổi khí hậu được cho là tác nhân gây ra những kiểu hình thời tiết cực đoan tại nhiều khu vực trên thế giới, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian gần đây. Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với thách thức lớn đến từ cuộc xung đột tại Ukraine. Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga hứng chịu trừng phạt của phương Tây dẫn đến việc Moscow đáp trả bằng cách cắt nguồn cung khí đốt đến nhiều nước. Cuộc xung đột dẫn đến việc nhiều nước phải vật lộn để tìm nguồn cung nhiên liệu khác ngoài Nga, khiến nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các nhóm vận động vì môi trường cảnh báo những quốc gia như Đức đang có nguy cơ làm đổ bể “mục tiêu xanh” của chính mình.
Đáp lại những quan ngại này, ông Robert Habeck ngày 26/5 nhận định, việc tìm nguồn nhiên liệu hóa thạch thay thế sẽ không ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo vệ môi trường. Thay vào đó, tình trạng khẩn cấp về năng lượng và lạm phát cao sẽ trở thành “bước đệm đầu tiên để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”. Đồng quan điểm này, Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry nhận định, các nước “cần nhanh chóng tăng tốc”, không nên lấy việc cuộc chiến leo thang tại Ukraine làm lý do để “tăng cường chuyển hướng xây dựng một hệ thống trạm bơm nhiên liệu hóa thạch mới”.
Các nhà vận động vì môi trường cũng kêu gọi các nước nhóm G7 đưa ra cam kết rõ ràng rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ không “làm chệch hướng” mục tiêu xanh của họ. David Ryfisch, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch, cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có xung đột và chiến tranh, “các nước G7 buộc phải ứng phó nhưng nên thông qua các biện pháp, nguồn năng lượng tái tạo, chứ không phải xây dựng cơ sở vật chất để khai thác nhiên liệu hóa thạch”. Bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu về năng lượng, nhấn mạnh: “Với tư cách là bộ trưởng phụ trách năng lượng và môi trường của các nước G7, chúng tôi có mặt tại Berlin ngày hôm nay để gửi đi thông điệp rõ ràng rằng quá trình chuyển đổi xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Hoàng Minh