Mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng tại nhiều địa phương

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:30, 24/05/2022

Moitruong.net.vn – Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về nhà, nhiều diện tích nông nghiệp và gây sạt lở tại một số khu vực ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến cuối ngày 23/5, mưa lớn đã làm 2 ngôi nhà ở huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái bị sạt lở taluy, hơn 17 héc-ta lúa, hoa màu ở các xã Quy Mông, Nga Quán, Minh Quán, Minh Quân của huyện Trấn Yên bị ngập úng.

Mưa lớn kéo dài cũng làm đường tỉnh 170 (Yên Thế – Vĩnh Kiên) bị ngập úng tại Km11+00, dài 100m, sâu 60cm; đường tỉnh 171 (Khánh Hòa – Minh Xuân) bị tắc tại Km 19+350 do nước suối ngập lên ngầm tràn. Điểm số 1, Trường Tiểu học Yên Ninh, thành phố Yên Bái bị sạt lở taluy dương làm hư hỏng bờ tường của nhà trường…

Tại huyện Yên Bình, mưa lớn cũng đã gây sạt bờ kè dài 15m và sạt lở taluy tại một số hộ dân.

Nhiều tài sản của người dân bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, sạt lở đất tại tỉnh Yên Bái.

Tại khu vực trũng thấp trên tuyến quốc lộ 70 đoạn qua các xã Bảo Ái, Cảm Ân, Tân Nguyên, Đại Đồng… của huyện Yên Bình đã bị ngập úng cục bộ, gây ách tắc giao thông.

Ngay khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khắc phục các thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống; bố trí lực lượng canh gác, rào chắn, cảnh báo khu vực, điểm giao thông nguy hiểm.

Tại Lào Cai, mưa liên tục kéo dài khiến một số tuyến đường giao thông ở Sa Pa bị sụt lún.

Tuyến đường từ phường Ô Quý Hồ đi xã Cát Cát, thị xã Sa Pa, hàng trăm khối đất bị sạt khiến việc đi lại bị ảnh hưởng, nhất là xe tải chở hàng hóa không thể lưu thông.

Trước đó, khoảng 0h hôm kia, trên Tỉnh lộ 155 tại xã Ngũ Chỉ Sơn cũng đã xảy ra vụ sụt lún đường nghiêm trọng trên đoạn đường dài gần 100m, sâu 2m. Địa phương đang khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở này, đảm bảo an toàn cho người dân.

Còn tại Thái Nguyên, 440ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng, khoảng 10 ngôi nhà bị ngập, hư hại và 5 điểm bị sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại.

Đề phòng mưa lớn tiếp tục xảy ra trên lưu vực Hồ Núi Cốc và mực nước hồ tiếp tục lên cao, đơn vị quản lý đã mở tràn xả lũ vào chiều qua. Người dân các địa phương đã được thông báo trước đó để chủ động ứng phó.

Tại Tuyên Quang, mưa lớn đã gây sạt lở đất, đá vào 59 nhà ở của người dân tại huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và huyện Sơn Dương, rất may không có thiệt hại về người. Hơn 988,6ha cây lúa, lạc, ngô và rau bị vùi lấp, ngập, úng; 578 con bò, lợn, gà của người dân bị chết.

Nhiều tuyến đường huyện và đường giao thông liên xã bị sạt lở. Tuyến ĐH33 và ĐH09 ở huyện Hàm Yên bị vùi lấp 200m3; Sạt lở 262m3 đất taluy âm đường ĐH 04 tại thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương… Nhiều cầu tràn qua suối bị ngập khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra UBND các huyện có thiệt hại đã chỉ đạo, phân công cán bộ chuyên môn tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó và hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn có mưa to đến rất to; mực nước trên sông Lô tiếp tục tăng nhanh. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đặc biệt là điểm nguy cơ sạt lở cao.

Minh Hoàng

Minh Hoàng