Bài 4: UBND huyện Hoài Đức có làm ngơ trước hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp ?
Nhịp cầu bạn đọc - Ngày đăng : 09:50, 20/02/2017
Trong năm 2016, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã khởi đăng loạt bài phản ánh về tình trạng doanh nghiệp đua nhau xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nơi đây, khi báo chí phản ánh những đơn vị sai phạm nhưng trong suốt thời gian qua, chính quyền huyện Hoài Đức không hề có biện pháp xử lý các đơn vị vi phạm trên. Phải chăng chức năng quản lí nhà nước trên địa bàn huyện Hoài Đức đã không còn hiệu lực?
Công văn “treo”
Trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội hiện nay còn khá nhiều nhiều doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Cụ thể trạm trộn bê tông An Khánh, Công ty Đức Phương, Xưởng nhựa tái chế của ông Lê Tùng Dương… đã làm mất cảnh quan đô thị, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp trên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Mặc dù là đất nông nghiệp, nhưng Công ty Đức Phương vẫn xây dựng được nhà xưởng bề thế
Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, năm 2003 công ty Đức Phương có tổng diện tích 9.808m2, trong đó 4.584m2 mua của các hộ dân, diện tích còn lại là thuê đất của UBND xã Song Phương để xây dựng lán xưởng tạm thời để cất giữ máy móc cho đến nay. Việc xây dựng trái phép của Công ty Đức phương đã được UBND xã Song Phương và UBND huyện Hoài Đức phát hiện từ khi mới khởi công. Nhưng, do thiếu quyết liệt và không xử lý dứt điểm nên công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động. Như vậy theo hợp đồng thuê đất của Công ty Đức Phương là để xây dựng lán xưởng để cất máy móc tạm thời chứ không phải xây dựng lán xưởng để sản xuất chế tạo máy móc và sử dụng mục đích khác.
Trạm trộn bê tông An Khánh
Ngoài ra, xưởng nhựa tái chế của ông Lê Tùng Dương, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xây dựng trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp. Trong quá trình tái chế nhựa mùi khét lẹt, khó thở, khí thải không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường khiến người dân luôn phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ.
Anh N.V.T bức xúc nói: Ngày nào trời nắng thì bốc mùi khét lẹt nồng nặc, khi trời mưa khí thải không thoát lên được, không khí càng thêm ngột ngạt. Đặc biệt, người dân thôn Phương Bảng và khu Mõm Bò bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều năm trở lại đây, hàng trăm người dân gồm người già, trẻ nhỏ thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho mãn tính, đáng lo ngại hơn người dân luôn sống trong sợ hãi về căn bệnh ung thư đang rình rập từng ngày.
Xưởng nhựa tái chế của ông Lê Tùng Dương hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Biết xưởng tái chế nhựa của ông Dương sai phạm như vậy, nhưng tại sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. Phải chăng đang có sự “chống lưng” của chính quyền huyện Hoài Đức nên công trình của ông Lê Tùng Dương vẫn chễm chệ ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường?
Bên cạnh đó, Công ty bê tông An Khánh bắt đầu hoạt động ngày 21/03/2005. Lúc đó Công ty Sông Đà 2 có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Song Phương về việc xin lắp dựng trạm để phục vụ thi công xây dựng, mở rộng đường Láng – Hòa Lạc trên khu đất nông nghiệp tại khu Thủy Dậng, xã Song Phương do ông Đặng Đình An quản lý và sử dụng. Ngày 04/04/2005, UBND huyện Hoài Đức có văn bản số 97/UBND gửi UBND tỉnh Hà Tây về việc đề nghị cho Công Ty Sông Đà 2 đặt trạm trộn bê tông tại xã Song Phương và UBND huyện Hoài Đức đồng ý chấp thuận cho Công Ty Sông Đà 2 thuộc Tổng công ty Sông Đà được mượn 1.500m2 đất màu tại xã Song Phương để đặt trạm trộn bê tông nhằm phục vụ thi công tuyến đường Láng – Hòa Lạc cho đến khi đường Láng – Hòa Lạc xong là trạm phải tự tháo dỡ và di chuyển đi nơi khác nhưng kể từ khi công trình đường cao tốc Láng – Hòa lạc đi vào hoạt động đến nay được 7 năm( từ năm 2010), trạm trộn bê tông An Khánh vẫn ngang nhiên ung dung hoạt động, thách thức cơ quan chức năng và chính quyền địa phương!
Rất nhiều công văn đã được ban hành nhưng các công trình vi phạm không bị xử lý
Chậm xử lý hay có khuất tất?
Trả lời câu hỏi vì sao nhiều doanh nghiệp hoạt động vi phạm Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật xây dựng diễn ra tràn lan trên địa bàn mà không có biện pháp giải quyết, xử lý ông Nguyễn Đức Khoa – Chủ tịch UBND xã Song Phương lý giải: “ Thẩm quyền chúng tôi còn hạn chế, các doanh nghiệp vi phạm sử dụng đất, đặc biệt Công ty Đức Phương và xưởng nhựa tái chế của Ông Lê Tùng Dương và Trạm trộn bê tông An Khánh chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức để thiết lập hồ sơ cưỡng chế nhưng đến nay không thấy UBND huyện tiến hành phối hợp xử lý các công trình trên ”. Theo ghi nhận của phóng viên những ngày vừa qua, các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa hề có quyết định xử phạt hay di dời cơ sở đi nơi khác của chính quyền địa phương.
Trước sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi phải chăng cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đang lúng túng đưa ra hướng xử lý hay lấy những lý do trên để cố tình kéo dài thời gian cho doanh nghiệp tồn tại sai phạm?
Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc trong bài tiếp theo.
Nhóm PVĐT