Bắc Giang: Những chuyện không thể tin nổi nhưng… có thật!
Nhịp cầu bạn đọc - Ngày đăng : 10:14, 10/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Không chỉ những vi phạm nghiêm trọng tại Trung tâm quan trắc Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Giang mà hàng loạt các đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khác đều không bị xử lý, gây ra hậu quả ô nhiễm lâu dài trên diện rộng. Nguy hại hơn là việc nhiều cá nhân trực tiếp xâm phạm ngân sách Nhà nước, xâm phạm vào môi trường sống của nhân dân trong nhiều năm qua…
Bài 1: “Trung tâm vẽ bùa” dối trên lừa dưới
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Trung tâm quan trắc Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Giang (viết tắt là Trung tâm quan trắc) có nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường định kỳ và đột suất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Tham gia giám định môi trường trong các cuộc thanh tra, kiểm tra về môi trường; Thưc hiện các dự án trong nước và quốc tế về môi trường theo quy định của pháp luật; Quan trắc và phân tích đánh giá các thành phần môi trường nhằm phục vụ việc thu phí bảo vệ môi trường nước thải đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo hiện trạng môi trường, đề án bảo vệ, cam kết bảo vệ môi trường…; Tư vấn, chuyển giao các thiết bị phân tích, đánh giá công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường…; Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Tài nguyên & Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường giao.
Trụ sở Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang (cũ) hiện nay đã chuyển vào Khu liên cơ của tỉnh này.
Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm quan trắc đã được chỉ định rõ ràng, cụ thể là thế nhưng trên thực tế, vị Giám đốc của điều hành Trung tâm này là ông Vũ Đức Phượng đã liên tục mắc sai phạm, “làm xiếc” các hoạt động của Trung tâm trong nhiều năm và gây ra những hệ lụy khôn lường cho môi trường tại tỉnh Bắc Giang.
Vị Giám đốc này đã nhiều lần thực hiện hành vi gian dối để “sáng tác” kết quả quan trắc tốt đẹp, đạt chuẩn cho các doanh nghiệp. Những thông số, chỉ số tốt đẹp ấy, khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra liền bị phanh phui la liệt vi phạm và nhận các quyết định xử phạt nghiêm khắc.
Cụ thể là vụ việc tại Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam (thuộc KCN Quang Châu, Việt Yên). Trung tâm quan trắc thực hiện quan trắc và đưa ra kết quả phân tích mẫu nước thải sinh hoạt của công ty này vào tháng 6/2011. Theo đó, tất cả các chỉ số đều đạt chuẩn theo quy định. Điều này có nghĩa là Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam đã đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, không xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Những kết quả tốt đẹp trong “lá bùa” do Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang sáng tác cho Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam
Không dừng lại ở đó, qua 2 lần quan trắc của Trung tâm quan trắc vào tháng 7/2010 và tháng 12/2010 thì niềm tin vào sự nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường của công ty kể trên lại tiếp tục được khẳng định bằng các kết quả quan trắc đều trong giới hạn an toàn.
Lẽ đương nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đều cùng nhận được những kết quả quan trắc tốt đẹp từ Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam tập hợp gửi đến trong các báo cáo.
Sự thật bất ngờ được phơi bày vào tháng 9/2011, khi Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường kiểm tra Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam. Sau kiểm tra, cơ quan này đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính 160 triệu đồng đối với Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam vì hàng loạt vi phạm về môi trường, xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.
Sự thật về những “lá bùa” bị phanh phui, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành Quyết định xử phạt 160 triệu đồng đối với Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OTP Việt Nam.
Cùng đó Thanh tra Bộ Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã yêu cầu công ty này phải khắc phục sai phạm bằng cách xây dựng công trình xử lý nước thải hoàn chỉnh theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn mới được xả ra môi trường.
Chính động thái này đã trực tiếp tố cáo sự gian dối của Trung tâm quan trắc. Rõ ràng, suốt thời gian dài trước đó, công ty này chưa hề có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh như cam kết nhưng Trung tâm quan trắc đã “làm xiếc”, gian dối sáng tác ra các kết quả quan trắc môi trường tốt đẹp. Đây là hành vi dối trên lừa dưới của Trung tâm quan trắc, không thể chấp nhận!
Chưa hết, hồi tháng 3/2014 và tháng 6/2014, Trung tâm quan trắc liên tiếp thực hiện quan trắc môi trường cho Công ty TNHH MTV Pan Pacific World với nội dung quan trắc nước thải sinh hoạt đều ra các thông số an toàn trong phạm vi cho phép.
“Lá bùa” với những chỉ số tốt đẹp do ” do Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang sáng tác cho Công ty TNHH MTV Pan Pacific World
Thế nhưng, vào tháng 10/2014, khi Trung tâm công nghệ xử lý môi trường của Bộ Tư lệnh hoá học đã vào cuộc, thanh kiểm tra đã đưa ra kết luận quan trắc với mẫu nước thải sinh hoạt của doanh nghiệp này như sau: Chỉ tiêu Amoni vượt 1,87 lần; Nitrat vượt 1,5 lần; Sunfua vượt 1,62 lần; Chỉ tiêu BOD5 vượt 1,46 lần; Coliforms vượt 10,4 lần; TSS vượt 1,19 lần; Photphat vượt 2,24 lần.
Đến ngày 8/9/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – ông Nguyễn Văn Linh đã ký ban hành Quyết định xử phạt 300 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Pan Pacific World về các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng liên quan đến nước thải.
Kết quả quan trắc của Trung tâm công nghệ xử lý môi trường của Bộ Tư lệnh hoá học đã vạch trần sự gian dối trong “Lá bùa” do Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang sáng tác cho Công ty TNHH MTV Pan Pacific World
Điều tệ hại không thể chấp nhận nữa là việc không những “dối trên lừa dưới” tại tỉnh Bắc Giang, tháng 4/2014, Giám đốc Trung tâm quan trắc Vũ Đức Phượng còn “làm xiếc” và “sáng tác bùa hộ mệnh” cho Nhà máy điện phân chì thuộc Công ty CP kim loại màu Bắc Bộ tại huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bằng những kết quả phân tích do đơn vị này kết luận đều an toàn, nằm trong giới hạn cho phép.
Hơn 1 tháng sau, tại Kết luận thanh tra số 1840/KLTTr-BTNMT ngày 16/5/2014 về bảo vệ môi trường đối với Công ty Bắc Bộ đã chỉ rõ: “Công ty thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; vi phạm Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, công ty không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép quản lý 12 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại để vận chuyển, xử lý, tiêu hủy theo quy định”. Với những vi phạm như trên, công ty này đã bị xử phạt 180 triệu đồng.
Quá trình thu thập thông tin, phóng viên đã được một cán bộ phân tích thực hiện kết quả quan trắc tại Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Bắc Giang hé lộ: Việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ đều phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm. Cùng đó, hầu hết các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị mẫu cần phân tích sẵn từ trước lúc cán bộ của Trung tâm đến lấy mẫu. Cán bộ phân tích không được biết đến những hợp đồng, giao dịch kinh tế liên quan đến hoạt động quan trắc mà chỉ có lãnh đạo trung tâm và doanh nghiệp làm việc với nhau?!
Qua những vụ việc điển hình kể trên, rõ ràng Trung tâm quan trắc Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Giang đã liên tục có những việc làm “dối trên lừa dưới”, gây ra những hậu quả xấu. Những kết quả phân tích chỉ số môi trường “đẹp như mơ” của Trung tâm quan trắc đã trở thành “bùa hộ mệnh” để doanh nghiệp báo cáo các cơ quan chức năng về công tác bảo vệ môi trường trong khi thực tế lại diễn ra những điều trái ngược.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Tạp chí Điện tử Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc hàng loạt các sai phạm, những chuyện không thể tin nổi nhưng… có thật tại Trung tâm quan trắc Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Giang trong các bài viết tiếp theo.
Bài và ảnh: Trần Linh