Hà Nội: Cần có chế tài ngăn ô nhiễm dầu mỡ cho sông, hồ
Nhịp cầu bạn đọc - Ngày đăng : 03:00, 19/10/2019
Báo cáo khảo sát của Công ty Thoát nước Hà Nội ngày 16/10 cho biết, tại các quận nội thành của Hà Nội có khoảng 4.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với các quy mô khác nhau và trên 2.000 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe, kinh doanh xăng dầu… Hàng ngày, các cơ sở này đang xả một lượng lớn chất thải là dầu, mỡ ra hệ thống thoát nước và môi trường và là thủ phạm khiến hàm lượng tổng dầu mỡ trong nước dao động từ 0,5 đến 2,5 mg/l, cao hơn quy định cho phép từ 2 đến 3 lần.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty nhấn mạnh, “phần lớn dầu mỡ này khi đổ xuống hệ thống sông hồ không được xử lý, sau đó chảy về các trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy về hạ lưu. Điều này khiến các nhà máy xử lý nước sạch ở các tỉnh thuộc hạ lưu sông Hồng có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm”.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới đã bắt buộc các gia đình, hộ kinh doanh phải có hệ thống xử lý nước, hệ thống tách dầu mỡ trước khi thải ra môi trường, tuy nhiên Việt Nam chưa có quy định này nên cần phải bổ sung và có chế tài mạnh tay hơn.
Sông Tô Lịch luôn có màu nước đen do nước thải sinh hoạt, dầu mỡ thải xuống. Ảnh: Bá Đô
Đưa ra giải pháp cho thực trạng trên, ông Hùng cho biết, UBND TP Hà Nội đã giao cho công ty áp dụng công nghệ tách dầu mỡ tại các nhà hàng, bếp ăn, tiệm sửa xe, tuy nhiên do chưa có chế tài và không có quy định bắt buộc nên việc lắp đặt máy tách dầu mỡ chỉ dừng lại ở việc vận động tự giác và dừng ở con số 100 cơ sở trên toàn thành phố.
Liên quan đến những giải pháp xử lý ô nhiễm do dầu mỡ xuống xả thẳng xuống sông hồ, chuyên gia về môi trường nước, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam GS Mai Đình Yên cho rằng cần phải có quy định xử lý nước ngay từ đầu nguồn, từ từng hộ gia đình như lắp các hệ thống thu gom rác thải, dầu mỡ, các chất thải trước khi đổ ra môi trường, như vậy mới giải quyết được bài toán làm sạch các con sông đang ô nhiễm nặng hiện nay ở thủ đô.
TS Nguyễn Văn Khải – người từng có nhiều công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch nước cũng đưa ra giải pháp đó là xây dựng hố ga từ các ngõ, ngách đổ ra sông để giúp kiểm soát nước thải từ đầu nguồn. Ông đưa ra phương án xử lý nước thải bằng cách xây 3 hố ga trước cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch. Với phương án này, nước chảy từ hộ dân qua hố ga thứ nhất, hố ga thứ hai đều phải qua một bậc cao từ 15 – 20 cm, bùn cát sẽ lắng lại. Đến hố ga thứ ba rồi đổ ra sông, nước đã trong sạch hơn.
Theo VnE