Thông tư hướng dẫn quản lí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 01:55, 22/02/2017
– Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (cấp xã). Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Thông tư nêu rõ, ngân sách trung ương (bao gồm nguồn trong nước, nguồn ngoài nước) bảo đảm kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường do các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện theo phân cấp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm.
Về nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương, Thông tư nêu rõ, chi xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ của trung ương.
Xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường cấp vùng, toàn quốc; hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường quốc gia, liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh…
Hỗ trợ công tác quản lý chất thải, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường quy mô liên tỉnh, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của trung ương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có); hỗ trợ cho các địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền quyết định…
Về nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, Thông tư nêu rõ, xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường của địa phương; xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường địa phương…
Hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của địa phương; hỗ trợ công tác quản lý chất thải, điều tra, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thống kê, cập nhật tình hình phát sinh chất thải, sản phẩm thải bỏ; hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm môi trường theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường thực hiện theo định mức, đơn giá, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Theo đó, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Kho bạc nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi theo quy định hiện hành.
Đối với dự án xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích được hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch giải ngân theo tiến độ thực hiện và tương ứng với tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ.
“Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả”, Thông tư nêu rõ.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/2/2017.
Thùy Linh