Bao giờ mới bắt đầu bỏ Sổ hộ khẩu?
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 22:47, 05/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin từ Bộ Công an, chưa thể ấn định thời gian sẽ bỏ Sổ hộ khẩu, bởi việc này phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ công dân.
>>>Chính Phủ nhất trí “xóa tên” hộ khẩu
Bộ Công an dự kiến đến năm 2019 sẽ thu thập đủ 15 thông tin cơ bản của công dân để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, việc quản lý dân cư hiện nay do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ,…
Thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch,…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia giao dịch lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.
Tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu đã gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và gây lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đến năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Tháng 3/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07, giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư.
Thu thập 15 thông tin cơ bản của người dân
“Khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính”- đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát cho hay.
Để việc triển khai thu thập thông tin dân cư đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, Bộ Công an đề nghị mỗi công dân, căn cứ vào các giấy tờ tùy thân như Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ Căn cước công dân), Giấy khai sinh,…đã được cấp và hướng dẫn của cơ quan công an kê khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cơ bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Luật Căn cước công dân của bản thân và người thân trong hộ gia đình vào Phiếu thu thập thông tin dân cư.
Theo đó, 15 thông tin cơ bản sẽ được công an trên cả nước thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
12 số trên thẻ Căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân của mỗi người dân – chìa khóa giải quyết thủ tục hành chính trong tương lai
Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Hồng Phú – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia từ nhiều “nguồn”: Tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an quản lý; Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư. Đối với những công dân chưa có thông tin hoặc thông tin chưa đầy đủ thì sẽ được thu thập, cập nhật từ công dân.
Hơn nữa, thông qua việc tổ chức đăng ký cư trú tại công an các xã/ phường/thị trấn sẽ dần dần cập nhật đầy đủ thông tin đối với mỗi công dân.
Bộ Công an đang đặt ra lộ trình đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân, còn trẻ em mới ra đời sẽ được cấp ngay một số định danh cá nhân để ghi vào Giấy khai sinh – PV) triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.
Khi đó, theo ông Phú, các ngành khác phải sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kết nối với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân có quyền được khai thác thông tin của mình trong đó để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
Để đảm bảo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kịp thời, mỗi người dân cũng có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định. Xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra, xác thực tính chính xác của thông tin dân cư được kê khai trong Phiếu thu thập thông tin dân cư.
Bao giờ bắt đầu bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân?
Do 12 số trên thẻ Căn cước công dân cũng đồng thời là số định danh cá nhân nên sau này khi công dân xuất trình Căn cước công dân theo yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã nêu trên.
Khi có cơ sở dữ liệu rồi, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa, để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính.
Chưa thể ấn định được thời gian xóa Sổ hộ khẩu
Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân sẽ bị xóa bỏ.
Trả lời câu hỏi về việc bao giờ có thể xóa được Sổ hộ khẩu, Thượng tá Trần Hồng Phú cho rằng cần có lộ trình để có đánh giá cho đầy đủ hơn bởi ở Việt Nam, công tác quản lý, chính sách an sinh xã hội đang gắn theo hộ gia đình.
“Chúng ta thực hiện chính sách theo hộ gia đình nên để bỏ được sổ hộ khẩu cần có lộ trình điều chỉnh quy định xã hội khác để tiến tới khi thực hiện chính sách quản lý nhà nước, an sinh xã hội hướng tới từng cá nhân một thì sẽ bỏ được hộ khẩu. Khi các ngành không cần thông tin trong cái sổ đó nữa thì cái sổ sẽ tự mất giá trị”- ông Phú nói.
Chính vì thế đến thời điểm này chưa thể khẳng định bao giờ có thể bắt đầu xóa bỏ Sổ hộ khẩu.
Ngoài ra, theo Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 1/1/2016 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Hiện nay việc cấp thẻ Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân đang được Bộ Công an triển khai ở 16 địa phương trên cả nước, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình.
Theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ đầu năm 2020 toàn bộ các địa phương trên cả nước phải tiến hành cấp Căn cước công dân thay thế Chứng minh nhân dân.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Ngọc Kỷ (nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an – một chuyên gia về căn cước công dân) cho rằng cần phải tập trung điện tử hóa và hợp nhất các hệ quản ý dân cư hiện hành (căn cước công dân, hộ khẩu và hộ tịch) làm Cơ sở dữ liệu dân cư gốc và phát triển các dịch vụ trên mạng, tạo điều kiện kết nối các hệ thống chuyên ngành khác. Chỉ có như vậy mới “bền”, “chắc” và khoa học.
Theo Dân trí