Đa số ý kiến tán thành ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 01:19, 21/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Chiều 20/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Trong phiên họp thảo luận tại hội trường hôm nay, đã có 19 đại biểu phát biểu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật. Nhận xét về phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ và tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo luật cũng như báo cáo thẩm tra…
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường chiều 20/11
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn tỉnh Quảng Bình: “Cần quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thành lập tổ bản đồ hành chính toàn quốc”
Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Việc xây dựng dự án luật cũng nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí, thúc đẩy thương mại hóa thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ. Đặc biệt việc ban hành luật có những điểm đột phá về xã hội hóa trong đo đạc và bản đồ, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Về nội dung, tôi đề nghị cần xem xét các khoản trong một số điều luật để đảm bảo tính liên kết chặt chẽ. Ví dụ Điều 58 quy định: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật đo đạc và quốc phòng trình Chính phủ”… Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường không nắm gì về tất cả các bộ khác nhưng lại quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cho nên không chặt chẽ, trong lúc đó tất cả các bộ, ngành khác xây dựng chương trình và trình với Chính phủ.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương
Còn ở Điều 24 quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành lập bản đồ hành chính toàn quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập bản đồ hành chính cấp tỉnh”… quy định như thế cũng không chặt chẽ.
Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập cả nước nhưng không quản lý sự thành lập địa bàn hành chính của tất cả các tỉnh. Đúng ra phải quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thành lập tổ bản đồ hành chính toàn quốc, UBND các tỉnh chiếu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thành lập bản đồ hành chính cấp tỉnh như thế mới chặt chẽ, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập chung rồi sau đó giao cho các tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm về quản lý.
Vấn đề này không phải thường xuyên năm nào cũng làm, ngày nào cũng làm mà chỉ làm một lần sau đó bổ sung, vậy nên giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và thành lập chung từ cả nước đến từng tỉnh sau đó giao về cho từng tỉnh. Bây giờ muốn chia tách một huyện cũng phải Quốc hội thông qua, mà Quốc hội thông qua nhất thiết phải có Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Cho nên, phải quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý chung và giao cho các tỉnh chịu trách nhiệm về quản lý và điều chỉnh. Trong quá trình có gì điều chỉnh thay đổi mới liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh…
ĐBQH Trần Văn Tiến – Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc: “Cần luật hóa tỉnh công khai minh bạch ngay trong dự thảo”
ĐBQH Trần Văn Tiến
Việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ theo tôi là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các văn bản pháp luật hiện nay về đo đạc bản đồ, đồng thời, nâng cao tính pháp lý đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về bố cục, dự thảo luật gồm 9 Chương với 63 Điều, bố cục tương đối ngắn gọn, phù hợp với phạm vi điều chỉnh. Tuy vậy, việc bố trí số điều trong một số chương chưa cân đối với luật chuyên ngành, cụ thể Chương II có 12 Điều, Chương IV, IX có 3 điều, do vậy, cần nghiên cứu để điều chỉnh số điều trong chương cho hợp lý.
Về tính công khai minh bạch, dự thảo luật có 63 Điều, trong đó, có 12 Điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, 10 khoản giao cho các Bộ, ngành quy định quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn thực hiện. Đề nghị Ban Soạn thảo cần luật hóa ngay trong dự thảo để hạn chế việc giao cho Chính phủ các Bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn thực hiện bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong Luật.
Những vấn đề cụ thể về phạm vi điều chỉnh Điều 1. Về cơ bản, tôi đồng tình phạm vi điều chỉnh như dự thảo, tuy vậy, quy định phạm vi điều chỉnh cho thấy, chưa bao quát hết nội dung của Luật. Theo tôi, cần bổ sung nội dung sản phẩm đo đạc bản đồ, công trình hạ tầng đo đạc vào phạm vi điều chỉnh, như vậy sẽ đầy đủ hơn.
ĐBQH Hứa Thị Hà – Đoàn tỉnh Tuyên Quang: “Đề nghị nghiên cứu việc xã hội hóa hoạt động viễn thám”
ĐBQH Hứa Thị Hà
Qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo thẩm tra, tôi tán thành với nhiều ý kiến của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Về lĩnh vực đo đạc và bản đồ gắn chặt với những tiến bộ khoa học và công nghệ, cũng được thể hiện rõ trong quan điểm của Chính phủ về chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam. Tuy vậy, khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy một số nội dung trong dự thảo luật được xây dựng dựa trên những công nghệ và cách làm trước đây. Ví dụ, việc thu nhận không ảnh hay kiểm soát khoáng sản thì không còn khó khăn và tốn kém như trước. Hay việc quy định cứng về các loại tỷ lệ bản đồ sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.
Về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, một nội dung hoàn toàn mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ. Các quy định về nội dung này cũng phù hợp với quy định của phần lớn các nước trên thế giới. Việt Nam có hạ tầng công nghệ thông tin tương đối phát triển và là điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Hiệu quả của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia mang lại sẽ rất lớn trong xây dựng chính quyền điện tử, các dịch vụ công. Tuy vậy, một số nội dung quy định tại Mục 2, Chương VI chưa thực sự đầy đủ về dữ liệu dịch vụ thông tin không gian địa lý của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Do vậy, tôi đề nghị, Ban Soạn thảo cần thể hiện rõ và cụ thể hơn nhằm giải quyết được những vấn đề trong tương lai như thực hiện hành chính công, quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, trong dự thảo luật đã có quy định về xã hội hóa đo đạc và bản đồ. Tuy vậy, tôi chưa thấy việc xã hội hóa hoạt động viễn thám, trong khi xã hội ngày càng phát triển, các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể kèm được việc này như thu nhận vệ tinh, sản xuất, xử lý ảnh viễn thám. Tôi đề nghị, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm.
ĐBQH Trần Văn Mão – Đoàn tỉnh Nghệ An: “Cần thận trọng với quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ tại Việt Nam”
ĐBQH Trần Văn Mão
Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Tôi đề nghị, cần cân nhắc bổ sung quy định nội dung xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ trong đó cần cân nhắc thận trọng có nội dung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ tại Việt Nam, bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia.
Về hoạt động đo đạc và bản đồ tại Chương II, tôi cũng đề nghị, bổ sung tại Điều 19 và 20 của Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc chuẩn hóa địa danh nhằm bảo đảm tránh sự tranh chấp lãnh thổ, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và một số hoạt động khác.
Tại Điều 53 về điều kiện của cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập tại Khoản 1 quy định mọi tổ chức cá nhân nước ngoài chỉ được phép hoạt động đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động. Tôi thấy, quy định chưa rõ ý được phép hoạt động đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động là quá chung, dễ bị lợi dụng kể cả trong hoạt động khai thác, do đó đề nghị sửa lại: Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phép hoạt động đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.
Ngoài ra, tại Khoản 10, Điều 57 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, tại Điểm e, Khoản 1, Điều 59 quy định: UBND cấp tỉnh quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh, nếu quy định như dự thảo sẽ là không rõ, đề nghị quy định rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề ở hạng nào và UBND cấp tỉnh cấp giấy phép hành nghề ở hạng nào.
ĐBQH Thái Trường Giang – Đoàn tỉnh Cà Mau: Làm rõ quy định xử phạt trong Dự án Luật
ĐBQH Thái Trường Giang
Về các hành vi bị cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ, tại Khoản 4 điều này quy định xuất bản, lưu hành sản phẩm… tôi đề nghị, Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung thêm từ “sử dụng” vào sau từ “lưu hành” để quy định được chặt chẽ bởi thực tế có xuất hiện tình trạng một số hộ chiếu của người nước ngoài hoặc các xuất bản phẩm sách của nước ngoài có in hình bản đồ của nước ta nhưng lại không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, tôi đề nghị, cần phải đưa vào luật để điều chỉnh hành vi sử dụng các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Về thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ ở Điều 60, tôi nhận thấy, tại điều này, còn quy định khá chung chung về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương trong triển khai luật khi luật có hiệu lực thi hành, nhất là đối với việc xử lý vi phạm. Tôi đề nghị, Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung các quy định xử phạt cụ thể ngay trong luật để quy định được chặt chẽ và bảo đảm tính khả thi, nhất là về thẩm quyền xử lý vi phạm, mức độ vi phạm và phương pháp xử lý vi phạm tương ứng, các quy định về bồi thường thiệt hại… nếu có, đồng thời, cũng thể hiện được tính nghiêm minh của luật trong xử lý vấn đề này.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn tỉnh Gia Lai: “Bổ sung, làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong dự thảo Luật”
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương
Về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong dự thảo luật, Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung liên quan đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ mới như hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, hệ thống không cảnh… Tuy vậy, đây là những nội dung mới, chưa được quy định trong các Luật Đo đạc và Bản đồ trước đây. Do đó, đề nghị trong dự thảo luật cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định này cũng như bổ sung các quy định khác về ứng dụng khoa học, công nghệ, như việc quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên môi trường Internet.
Thứ ba, về cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ Điều 3, Khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, cập nhật và vận hành cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản và chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, cập nhật và vận hành cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý. Để tránh lãng phí kinh phí nhà nước đầu tư cho hoạt động đo đạc và bản đồ cũng như tránh việc tiến hành trùng lặp, đảm bảo có sự kế thừa lẫn nhau trong hoạt động đo đạc và bản đồ.
Tôi đề nghị sửa lại quy định này theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về đo đạc và bản đồ cơ bản chuyên ngành, trên cơ sở tích hợp các cơ sở đo đạc và bản đồ của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh, đồng thời, dự thảo luật cần quy định cụ thể về trách nhiệm cập nhật quyền chia sẻ thông tin, các quyền và nghĩa vụ khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về đo đạc và bản đồ.
Theo Monre