Việt Nam: Năm 2020 phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 03:30, 20/01/2020

Moitruong.net.vn – Những mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 là có thể đạt được, trong đó tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4%, đây được coi là mục tiêu “không quá khó”.
Trong 3 năm liền Việt Nam đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Nền kinh tế đã thành công đạt “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường hàng hóa thế giới, hàng hóa trong nước, tác động đến thị trường tài chính và tiền tệ trong nước nhưng nhờ điều hành vĩ mô và công tác quản lý điều hành giá nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018.
Ảnh minh họa
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào cuối năm để hạn chế tăng giá. Bộ Công thương chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn. Ngân hàng Nhà nước cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng.
Áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2020 dù là tính theo năm hay theo quý. Nguyên nhân là do biến động bên ngoài, do giá thực phẩm, giá của một số mặt hàng mà Nhà nước quản lý vẫn chưa “cởi” hết như điện, y tế, nước…
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, kiềm chế lạm phát cũng khó khăn không kém tìm cách tăng trưởng. Thực tế thì kiềm chế lạm phát cũng chính là để ổn định kinh tế vĩ mô. Khi “con ngựa giá” phi nước đại thì cũng có nghĩa kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, thu nhập thực tế cũng như cuộc sống của người làm công ăn lương sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực; từ đó dẫn đến những hệ lụy xã hội khó lường.
Việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với mấy năm gần đây. CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả mà còn là hệ quả của chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Minh Anh (t/h)