Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đề nghị góp ý kiến với đề án ” Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia”
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 01:56, 14/11/2019
Để hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan góp ý kiến với đề án ” Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia”.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Quyết định số 125/QĐ- UBQGCPĐT ngày 23/7/2019 của Ủy ban Quốc gia của Chính phủ điện tử ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2019.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng, hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia được nâng cấp, hoàn thiện và duy trì vận hành; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai và hệ thống thông tin đất đai quốc gia; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh; thí điểm mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai hiện đại và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước không bao gồm khối lượng công việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã và đang thực hiện thuộc các dự án, đề án: (i) Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG); (ii) Dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương; (iii) Đề án Tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực 05 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2019 – 2025; (iv) Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; (v) Đề án Hoàn chỉnh việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới.
Nhiệm vụ chính của đề án gồm: Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trên phạm vi toàn quốc; Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện và duy trì vận hành Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai quốc gia; Thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai và thí điểm mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai hiện đại và phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Đề án thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2025, trong đó: năm 2019 thực hiện xây dựng và phê duyệt Đề án ở Trung ương; từ năm 2020 – 2025 triển khai lập và thực hiện Thiết kế kỹ thuật – dự toán đề án, dự án, kế hoạch, chương trình hoạt động.
Theo Cổng TTĐT Bộ TNMT