Chất vấn nóng về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:00, 06/11/2018
Sáng 3/11, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình liên quan đến vấn đề amiăng trắng.
>>>Hà Nội: Mô hình tập thể dục kết hợp lọc nước hồ bắt đầu xuống cấp
>>>VinFast Klara dòng xe điện thông minh, thân thiện với môi trường
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sợi amiăng trắng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và 90% sản lượng sợi amiang trắng nhập về Việt Nam được sử dụng trong phối trộn sản xuất tấm lợp fibro xi măng, chiếm 6 -8% tỷ lệ phối trộn. Tổng công suất thiết kế của các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng tại Việt Nam hiện nay là 94,4 triệu m2/năm, tuy nhiên sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong những năm gần đây giảm mạnh so với công suất thiết kế. Sản xuất năm 2017 chỉ đạt 55,38% triệu m2/năm, bằng 66% so với năm 2016 và 71,4% so với năm 2015. Tiêu thụ năm 2017 đạt khoảng 53,8 triệu m2/năm, bằng 63,7% so với năm 2016. Tồn kho khoảng 7,4 triệu m2. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết “WHO và ILO khẳng định amiăng trắng độc hại, gây ung thư cho con người khi tiếp xúc trong lao động và sử dụng trong cộng đồng, khuyến nghị cách tốt nhất để phòng chống bệnh amiăng gây ra là ngừng sản xuất các loại amiăng. Vì vậy, cả Bộ Y tế và Bộ Xây dựng đều đồng thuận đề xuất Chính phủ ban hành lệnh cấm dừng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham dự phiên giải trình đều cho rằng việc chỉ căn cứ vào khuyến cáo của WHO, một số công trình nghiên cứu của nước ngoài xét về mặt lý thuyết thì có vẻ hợp lý nhưng về thực tế thì lại không thuyết phục. Bởi chính Bộ Y tế là cơ quan quản lý sức khoẻ của người dân và các ngành nghề liên quan nhưng lại chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về ảnh hưởng của amiang trắng đối với sức khoẻ của người lao động và người sử dụng tấm lợp, các loại đường ống dẫn nước, bể nước, mái lợp trang trại chăn nuôi… dù loại sợi này đã được sử dụng tại Việt Nam từ hơn 55 năm qua. Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phản biện: “Trong danh mục các chất độc do Hoa Kỳ xếp loại, amiăng trắng xếp 119, trong khi đó chì và thuỷ ngân vẫn sử dụng, ở nước ta chưa cấm các chất này, vậy tại sao cấm amiăng? Tại sao chỉ cấm amiăng trong sản xuất tấm lợp mà không cấm trong vật liệu khác?”
Là người đứng đầu đơn vị sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng, ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấm lợp Đông Anh cho biết, đơn vị này đã sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng hơn 30 năm qua, đến nay không có bất kỳ người lao động nào mắc các bệnh ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô như WHO đã khuyến cáo. “Không nên nói là không có ngưỡng an toàn, vì nếu không có ngưỡng an toàn thì anh em chúng tôi đã chết từ lâu vì chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với amiăng trắng. Chúng ta xác định loại vật liệu nào cũng có độc hại, kể cả cát, sỏi, nhưng khi đầu tư vào nâng cao công nghệ sản xuất thì chắc chắn sẽ giảm bớt được rủi ro mắc bệnh. Để có sự khách quan, vô tư, khi xây dựng văn bản, nghiên cứu nào đó thì các cơ quan, đơn vị đó phải xuống cơ sở. Tôi thấy Bộ Xây dựng ít xuống lắm, Bộ Y tế càng không” – ông Nghĩa cho biết.
Theo Phó Chủ nhiệm UBKHCN và MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh: “Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo, khách quan về vấn đề này. Chúng ta đi tới nền kinh tế thị trường thì tất cả nên để thị trường quyết định. Chúng ta cấm sản xuất hay cấm cả tiêu dùng? 10 nước ASEAN không nước nào cấm, nếu chúng ta cấm thì vô tình tạo điều kiện cho hàng từ các nước này tràn vào. Khi đã hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta cấm mà không đưa ra được bằng chứng chứng minh thuyết phục thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác về thương mại” – ông Tịnh nói.
Nêu ý kiến tại phiên giải trình này, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân và đặc biệt phải có đầy đủ cơ sở pháp lý.
“Tôi có 3 nhiệm kỳ làm HĐND TP Hải Phòng, 1 nhiệm kỳ làm bí thư hyện uỷ, nhưng chưa có ý kiến nào của dân kiến nghị về việc dừng sử dụng tấm lợp amiăng xi măng. Vậy tại sao chúng ta lại tự nêu vấn đề này ra?”.
Theo Tiền Phong