Pháp: Công tố viên đề nghị phạt nặng tàu du lịch gây ô nhiễm

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 12:00, 09/10/2018

MOITRUONG.NET.VN – Các công tố viên Pháp đề nghị án phạt 100.000 euro (115.000 USD) đối với thuyền trưởng mang quốc tịch Mỹ và chủ sở hữu tàu du lịch Azura do sử dụng nhiên liệu có lượng lưu huỳnh cao hơn mức cho phép của châu Âu.

Hà Nội: Cháy lớn ở phố Hào Nam

Xây dựng và phát triển mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

Tàu du lịch Azura. (Nguồn: Business Insider)

Trong một cuộc thanh tra tàu du lịch Azura hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng Pháp phát hiện chiếc tàu này dùng nhiên liệu có chứa khoảng 1,68% lượng lưu huỳnh so với mức cho phép là 1,5% của châu Âu.

Giá nhiên liệu có lượng lưu huỳnh lớn thấp hơn so với loại có lượng lưu huỳnh ít hơn. Khi đốt, loại nhiên liệu này tạo ra các chất khí sulphur oxide góp phần gây mưa axit và làm axit hóa nước biển.

Tàu du lịch tên Azura, có thể chở tới hơn 3.000 hành khách, là một trong những tàu lớn nhất của P&O Cruises, công ty con của tập đoàn vận tải biển Carnival (Anh-Mỹ).
Thuyền trưởng tàu Azura-Evan Hoyt và chủ sở hữu tàu Azura-tập đoàn Carnival đã bị truy tố. Theo các công tố viên, đây là lần đầu tiên một thuyền trưởng bị truy tố về tội gây ô nhiễm trong khu vực bờ biển Địa Trung Hải của Pháp.

Tuy nhiên, vị thuyền trưởng 58 tuổi này đã không ra trình diện trước tòa án tại thành phố Marseille. Tòa dự kiến ra phán quyết về vụ việc trên vào ngày 26/11 tới.

Năm ngoái, thành phố Marseille đón 1,55 triệu lượt khách du lịch bằng tàu thủy. Giới chức thành phố kỳ vọng số du khách đến đây sẽ vượt thành phố Venice (Italy) trong năm nay để trở thành cảng lớn thứ tư thu hút tàu du lịch ở Địa Trung Hải. Giới chức Marseille đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách vào năm 2020.

Tuy nhiên, thành phố cảng nổi tiếng này của Pháp đang phải đối phó với tình trạng ô nhiễm gia tăng khi nỗ lực thu hút thêm nhiều tàu chở khách du lịch đến đây.

Nhà chức trách cho biết vận tải đường biển có thể làm gia tăng 10-20% các hạt bụi gây tổn hại về sức khỏe trong không khí tại thành phố này, từ đó gây nguy cơ mắc các bệnh về phổi cũng như hô hấp.

Theo cơ quan giám sát ô nhiễm môi trường khu vực Airpaca, ngay cả khi neo đậu, một tàu thủy có thể gây ô nhiễm tương đương 10.000–30.000 chiếc xe hơi.

Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên hợp quốc đã hạ mức lưu huỳnh cho phép đối với các tàu thủy, với ngưỡng giới hạn không quá 0,5% có hiệu lực từ năm 2020.

TTXVN

TTXVN