Kiên Giang: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 09:31, 11/10/2019

Moitruong.net.vn – Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, nắng hạn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng là rất cao.

Rừng Kiên Giang có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, môi trường môi sinh, nghiên cứu khoa học, di tích lịch sử và an ninh – quốc phòng. Diện tích rừng phân bố ở nhiều địa hình khác nhau, như: đồng bằng, ven biển, đồi núi, biên giới và hải đảo. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh 79.861,84ha, độ che phủ rừng 10,66% năm 2018; đến nay đã cắm mốc, xác định ranh giới trên bản đồ và ngoài thực địa.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện đầu tư các dự án trồng rừng ven biển với tổng diện tích 900ha; cấp phép khai thác rừng trồng cho 17 tổ chức và 187 hộ gia đình, với tổng diện tích khai thác 1.900,62ha (cây tràm nước); tổng trữ lượng 106.546,9m3 gỗ tràm, trữ lượng bình quân 56,05m3/ha, với tổng giá trị khai thác 51,7 tỷ đồng. Triển khai trồng rừng thay thế được 217,28ha, tại các khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện: An Biên 130,51ha, An Minh 18 ha, Hòn Đất 51,57ha, Kiên Lương 5ha; vùng đệm huyện U Minh Thượng 12,2ha. Ước thực hiện 2019, trồng rừng mới 923ha, trong đó: rừng đặc dụng 214,7ha; rừng phòng hộ (trồng lại sau khai thác) 437,30ha; rừng sản xuất (trồng lại sau khai thác) 271ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 452ha (khoanh nuôi chuyển tiếp); trồng cây phân tán 500.000 cây, trong đó 100.000 cây từ nguồn vốn ngân sách và 400.000 cây do tổ chức và hộ dân trong tỉnh tự trồng; khai thác rừng là 300 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 10,96%.

Bên cạnh đó, Kiên Giang có hệ sinh thái rừng đặc trưng và đa dạng, bao gồm: Rừng lá rộng thường xanh, rừng ngập phèn và rừng ngập mặn, với nhiều loài động và thực vật quý hiếm, được bảo toàn tài nguyên gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị, các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo, đặc trưng cho hệ sinh thái vùng Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, độ che phủ rừng, thảm thực vật rừng, thắng cảnh, du lịch, tham quan,… Rừng Kiên Giang được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Khu Ramsa (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn), đây là Khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.

Lực lượng Kiểm lâm Kiên Giang thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng

Tỉnh tập trung chỉ đạo đối với các đơn vị quản lý rừng, chính quyền địa phương, các cơ quan báo, đài đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” bằng nhiều hình thức, đăng tải đầy đủ và thông tin kịp thời trên các trang mạng, website… đảm bảo cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân dễ cập nhật. Tổ chức họp dân ở các ấp, tổ nhân dân tự quản ven rừng trên 418 cuộc có trên 12.571 lượt người tham dự. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát 120 kỳ tuyên truyền bảo vệ rừng trên sóng truyền hình, đăng 60 kỳ tuyên truyền bảo vệ rừng trên Báo Kiên Giang; các đài truyền thanh huyện, xã có rừng phát trên 407 lượt tin, tổ chức tuyên truyền lưu động trên 750 lượt trên các tuyến lộ, tuyến kênh quanh rừng, hướng dẫn 4.496 lượt hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết thực hiện bảo vệ rừng. Tổ chức 32 lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng tổ, đội ở cơ sở có 2.150 lượt người tham dự.

Tiếp đến, việc quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm, chủ động tổ chức thực hiện. Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng từng bước hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm có hiệu quả. Lực lượng Kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 363 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp). Đã xử lý và tham mưu xử lý hành chính được 328 vụ với số tiền phạt là 779,3 triệu đồng và ra quyết định xử lý vắng chủ 17 vụ. Đang xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử lý 18 vụ. Tịch thu 23,3m3 gỗ tròn, 0,4 m3 gỗ xẻ và 32 cá thể động vật hoang dã.

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, nắng hạn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng là rất cao. Tình hình xói lở bờ biển tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Kiên Giang với tuyến đê biển dài khoảng 200km, hiện nay tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở trên 37 km, trong đó có 34 km sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều hộ dân, diện tích rừng phòng hộ ven biển bị sạt lở mất đi khoảng 500ha và tiếp tục có nguy cơ bị sạt lở do sóng biển và phá rừng mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản sẽ làm giảm diện tích và chất lượng rừng.

Rừng phòng hộ huyện Phú Quốc

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có rừng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Triển khai Kế hoạch số 70/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2020. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng và chế biến lâm sản. Duy trì phối hợp có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong việc kiểm tra, truy quét, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, bao chiếm, chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật và tổ chức chữa cháy kịp thời các vụ cháy rừng mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách. Gắn mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân sống ở vùng rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Quốc Tuấn

Quốc Tuấn