Bị phạt đến 40 triệu đồng với hành vi lưu hành bản đồ vi phạm chủ quyền quốc gia
Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 02:33, 14/02/2020
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Đặc biệt, hành vi cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp bị phạt 5-10 triệu đồng. Trong khi đó, xuất bản bản đồ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia bị phạt 40-50 triệu đồng, lưu hành bản đồ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia bị phạt 30-40 triệu đồng.
Nghị định quy định mức phạt 20-30 triệu đồng với các hành vi: đo đạc và bản đồ không đúng với nội dung giấy phép hoạt động; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động khi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ hết thời hạn.
Lưu hành bản đồ không đúng chủ quyền quốc gia sẽ bị phạt.
Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ từ 3 đến 12 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017, trong đó bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực, thu hồi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ôtô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, nếu doanh nghiệp khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực giấy phép.
Tuy nhiên, trường hợp không khắc phục hoàn toàn vi phạm trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép.
Lê Mai (t/h)