Đề xuất phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để tạo tính răn đe
Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 01:30, 30/12/2021
Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định doanh nghiệp có thể bị xử phạt tới 1 tỉ đồng.
Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 155 đề xuất phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi không có Giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định; không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo Giấy phép môi trường;
Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với hành vi cung cấp không chính xác, không trung thực thông tin về kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm theo quy định; không cấp đổi, cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường theo quy định; không thực hiện nội dung của Giấy phép môi trường theo quy định, trừ trường hợp vi phạm quy định về quan trắc môi trường, thu gom, xử lý chất thải, nhập khẩu phế liệu, cải tạo, phục hồi môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Phạt tiền từ 400-500 triệu đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Đặc biệt, dự thảo nghị định đề nghị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019 cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 464 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 180 cơ sở với tổng số tiền trên 52 tỷ đồng. Năm 2020 tiến hành thanh tra, kiểm tra 173 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 43 cơ sở với tổng số tiền là 11,6 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, các Bộ khác đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.129 tỷ đồng. Ở địa phương, năm 2020 đã xử phạt vi phạm hành chính 3.232 vụ, với tổng số tiền xử phạt trên 131 tỷ đồng.
Bên cạnh hình thức xử phạt tiền, các cơ quan có thẩm đã áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tạm đình chỉ hoạt động và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, khắc phục ô nhiễm, đền bù thiệt hại cho người dân.
Kết quả cho thấy hầu hết hành vi vi phạm hành chính đều đã được xử lý và các đối tượng vi phạm cơ bản đã chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 155 đã phát huy được hiệu quả tích cực: Giảm chồng chéo trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; đảm bảo một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng công an nhân dân đã phát huy được nghiệp vụ, thế mạnh lực lượng đông, có thể thực hiện trinh sát, theo dõi vào các thời gian ban đêm, ngoài giờ hành chính để tập trung phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các vi phạm về xả thải, xả thải trộm, vận chuyển, đổ, thải, chôn lấp chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định.
Tuy vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi chưa cụ thể nên gây lúng túng khi áp dụng trên thực tế. Để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì phải chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra, trong khi một số hành vi thực tế không gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường (ví dụ các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo, không thực hiện các thủ tục về môi trường…).
Các quy định liên quan đến việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chưa quy định một số hành vi có xảy ra trên thực tế như: xây lắp không đúng quy định đối với công trình bảo vệ môi trường; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; không vận hành công trình xử lý chất thải; chưa quy định hành vi đối với trường hợp đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Lê Hải