Đề xuất kịch bản phát triển để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 17:17, 03/06/2022
Đây là một trong những phát hiện chính của Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được công bố tại Hà Nội, ngày 2/6. Báo cáo do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam phối hợp thực hiện.
Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam, hoàn toàn khả thi để có được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0 với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách. Cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao.
Công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021
Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí.
Báo cáo, theo dự kiến, sẽ cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam (QHĐ8), Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của chính phủ.
“Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố.
“Về khía cạnh kinh tế, nếu thực hiện kịch bản phát thải ròng bằng 0, chi phí lũy kế sẽ tăng lên 10% so với kịch bản cơ sở nhưng mặt tích cực là sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng tự chủ được năng lượng, không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu trong bối cảnh giá nhiên liệu hiện nay rất khó tiên đoán”- ông Loui Algren- cố vấn năng lượng, Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cho biết.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, một các trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).
Báo cáo cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050. Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết.
“Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”- báo cáo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ sau năm 2030 pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc.
Ngoài ra, cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Hoàng Anh