Yên Thủy (Hòa Bình): Công ty TNHH Hoàng Trung lợi dụng “cơ chế” để trục lợi từ khai thác tài nguyên, không thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường
Dự báo thời tiết - Ngày đăng : 03:27, 02/06/2022
VIDEO: Hòa Bình: Công ty TNHH Hoàng Trung lợi dụng “cơ chế” để trục lợi từ khai thác tài nguyên trái phép
Doanh nghiệp “quên” hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường
Theo phản ánh của người dân sống tại xã Bảo Hiệu, thời gian qua, trên địa bàn xã liên tục diễn ra tình trạng khai thác đất vào ban đêm, xe quá khổ, quá tải qua lại trên địa bàn gây rơi vãi, bụi bặm; tiếng máy xúc gầm gào cả đêm gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Công ty TNHH Hoàng Trung lợi dụng “cơ chế” để trục lợi từ khai thác tài nguyên trái phép, “trắng” hồ sơ thực hiện Luật Bảo vệ môi trường
Để tìm hiểu thông tin về việc các đơn vị khai thác đất, đá xít trên khu vực xóm Đầm, xã Bảo Hiệu có dấu hiệu sai phạm gây ô nhiễm môi trường. Ngày 12/5/2022, PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Bảo Hiệu.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Hồng – Chủ tịch xã cho biết: “Đây là mỏ than thực hiện đề án đóng cửa mỏ để hoàn nguyên của Công ty TNHH Hoàng Trung do UBND tỉnh cấp theo giấy phép 2896/GP-UBND vào tháng 11/2021. Đến 11/6/2022 là hết giấy phép. Trong khuôn viên rộng 19ha nhưng phạm vi thực hiện phương án đóng cửa mỏ không phải toàn bộ mà chỉ một phần”.
“Với trường hợp này, UBND xã cũng báo cáo UBND huyện và các Sở ngành của tỉnh cũng đã về làm việc. Hết tháng 3/2022 tất cả phải hoàn thiện tất cả để thực hiện trồng cây. Tuy nhiên, hết tháng 3, đơn vị thi công còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. Do vậy, thời hạn để đơn vị thực hiện là đến 11/6/2022”, ông Hồng thông tin thêm.
Ông Bùi Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu làm việc với PV Moitruong.net.vn
Khi được hỏi về việc các hồ sơ mà công ty sẽ phải thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình mỏ khai thác thì ông Hồng không cung cấp được cho PV và cho biết: “Các hồ sơ đó xã không được bàn giao, xã chỉ giám sát việc thi công xem có đúng vị trí không, đúng phạm vi không. Những cái đó anh chị ra phòng tài nguyên”.
Theo tìm hiểu, ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản số 41/GP-UBND do ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký cho phép Công ty TNHH Hoàng Trung được khai thác đất, đá xít thải hỗn hợp khi thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Khu vực, vị trí khai thác tại xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Diện tích, phạm vi khai thác nằm trong khu vực đóng cửa mỏ than Bãi Cả, xóm Đầm. Được giới hạn bởi các điểm khép góc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 có tọa độ thể hiện trên bản đồ khu vực đóng cửa mỏ tỉ lệ 1/500 kèm theo.
Văn bản số 41/GP-UBND do ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký cho phép Công ty TNHH Hoàng Trung được khai thác đất, đá xít thải hỗn hợp khi thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình
Cũng theo Quyết định trên, khối lượng khai thác là 115.100 m3 đất, đá xít hỗn hợp. Phương pháp khai thác lộ thiên, không dùng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác phải đúng phạm vị, khu vực, vị trí, trữ lượng. Trước khi thai thác phải cắm mốc ranh giới phạm vi được khai thác, đồng thời phải thông báo cho chính quyền địa phương để giám sát.
Trong đó, tại điều 2 của Quyết định ghi rõ: Khi thi công khai thác phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).
Phải thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực khai thác.
Phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của nhóm A.
Cùng với đó tại điều 3 có nêu: Hoạt động khai thác đất, đá xít thải hỗn hợp theo giấy phép được cấp chỉ được tiến hành sau khi Công ty TNHH Hoàng Trung thông báo kế hoạch khai thác cho chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát. Trong quá trình khai thác nếu phát hiện khoáng sản khác phải báo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH Hoàng Trung có dấu hiệu cố tình “phớt lờ” những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường mà cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu công ty phải thực hiện trong quá trình khai thác khoáng sản
Quy định đã rõ như ban ngày nhưng không hiểu vì lý do gì mà Công ty TNHH Hoàng Trung cố tình “phớt lờ” những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường mà cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu công ty phải thực hiện trong quá trình khai thác khoáng sản?.
Người dân đang hoài nghi: Liệu có khi nào UBND tỉnh Hòa Bình đang “ưu ái” tạo điều kiện cho Công ty TNHH Hoàng Trung khai thác thách thức pháp luật, coi thường tiếng nói của người dân, vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường?
Lợi dụng đề án đóng cửa mỏ để khai thác tài nguyên trái phép?
Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Bảo Hiệu cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản đã diễn ra rầm rộ ở đây nhiều tháng nay, mỗi ngày có nhiều lượt phương tiện liên tục ra vào chở đất đi ra ngoài. Xe cộ đi lại bất kể ngày đêm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Việc khai thác vận chuyển đất từ khu vực xóm Đầm, xã Bảo Hiệu đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho đời sống dân cư như tiếng ồn, khói bụi và đặc biệt là tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Bởi hầu hết các xe vào chở đất đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng xe, quá khổ quá tải và lưu thông với tốc độ cao.
Để tận dụng khai thác trữ lượng than dưới lòng đất, doanh nghiệp đã cho đào những hố với độ sâu mà không hề có biển báo nguy hiểm
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực khai thác khoáng sản tại xóm Đầm, xã Bảo Hiệu diễn ra nhiều ngày nay, nhiều lượt xe Howo (Hổ Vồ) có trọng tải lớn vào ra liên tục, không kể giờ giấc ngày đêm.
Ghi nhận thực tế tại khai trường, để tận dụng khai thác trữ lượng than dưới lòng đất, doanh nghiệp đã cho đào những hố với độ sâu gần 10m mà không hề có biển báo nguy hiểm, trong khai trường trữ lượng than khoáng sản khá lớn được tập kết thành đống to, được biết số lượng than này sẽ được bán cho các đơn vị sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng để họ nghiền ra rồi trộn lẫn với đất cho vào đóng gạch.
Nhiều những thùng phuy chứa dầu mỡ được tập kết ngay tại khai trường nhưng không được che chắn, bảo quản đúng theo quy định
Ngay tại khai trường mỏ những thùng phuy hóa chất như dầu được tập kết tại đây nhưng không được che chắn, bảo quản đúng theo quy định.
Để thể thuận tiện cho việc vận chuyển, công ty TNHH Hoàng Trung đã tự ý san đất mở đường. Cùng với đó, hiện nay công ty đang có dấu hiệu mở thêm 1 đường nhánh để thuận tiện cho việc vận chuyển đất, than khoáng sản ra ngoài đường chính. Vậy, câu hỏi đặt ra việc doanh nghiệp tự ý mở đường đấu nối ra đường chính đã được sự cho phép của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình hay chưa?
Theo tìm hiểu, tại báo cáo số 219/BC-TNMT ngày 31/5/2021 của UBND huyện Yên Thủy về kết quả kiểm tra khu vực thực hiện dự án đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu có nêu: Tại khu vực khai trường Công ty TNHH Hoàng Trung thực hiện cải tạo không đúng với thiết kế và nội dung Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt. Cụ thể tại khu vực khai trường của mỏ than Công ty TNHH Hoàng Trung chưa thực hiện việc củng cố bờ mỏ, cải tạo san gạt bờ moong thành hố thu nước, trồng cây keo trên để bao hồ chứa nước, lắp biển báo nguy hiểm… mà đã huy động máy xúc đào, múc, khai thác tận thu đất, đá xít với khối lượng lớn vận chuyển về khu vực sân công nghiệp và đem đi tiêu thụ (khu vực khai trường là khu vực không được phép khai thác, tận thu khoáng sản).
Ngày 21/5/2021 UBND xã Bảo Hiệu đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-XPHC về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Trung số tiền 4.000.000 đồng do vi phạm quy định về vận chuyển đất đá, xít hỗn hợp đêm đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép
Sau khi kiểm tra phát hiện, ngày 21/5/2021 UBND xã Bảo Hiệu đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-XPHC về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Trung số tiền 4.000.000 đồng do vi phạm quy định về vận chuyển đất đá, xít hỗn hợp đêm đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (Công ty TNHH Hoàng Trung chưa thực hiện nộp thuế tài nguyên theo quy định). Tại thời điểm kiểm tra ngày 28/5/2021, Công ty TNHH Hoàng Trung vẫn đang thực hiện xúc đào, múc, khai thác tận thu đất, đá xít với khối lượng lớn ngoài khu vực được phép cải tạo.
Ngày 20/01/2022 UBND huyện Yên Thủy đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Bảo Hiệu kiểm tra thực địa quá trình thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ. Qua kiểm tra tại khu vực khai trường của mỏ than Công ty TNHH Hoàng Trung chưa thực hiện việc: Củng cố bờ mỏ, san gạt đáy moong khai thác làm hồ chứa nước, lắp biển báo nguy hiểm, trồng cây trên để bao quanh hồ nước theo đúng nội dung quy định tại Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt mà đang thực hiện việc khai thác đất, than, đá xít với khối lượng rất lớn vận chuyển đem đi tiêu thụ gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng công trình giao thông quanh khu vực và gây bức xúc trong nhân dân. (Khu vực khai trường là khu vực không được phép khai thác khoáng sản, chỉ được khai thác tận thu khoáng sản tại khu vực bãi thải của mỏ than cũ diện tích khoảng 5.130m3, lượng đất có trong bãi thải 115.100m3, phương án xử lý với lượng đất này là làm thủ tục để nộp thuế tài nguyên với lượng đất 15.100m3, còn lại 100.000m3 Công ty được phép vận chuyển đến nhà máy gạch trong vùng do đất chứa lưu huỳnh).
Văn bản số 63/UBND-TNMT của UBND huyện Yên Thủy về việc đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện Đề án đóng cửa mỏ than xóm Đầm, xóm Bãi Cả, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình
Ngày 24/01/2022, UBND huyện Yên Thủy có văn bản số 63/UBND-TNMT về việc đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện Đề án đóng cửa mỏ than xóm Đầm, xóm Bãi Cả, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, UBND huyện Yên Thủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình quan tâm, chỉ đạo thực hiện: Kiểm tra trực tiếp việc thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy đối với Công ty TNHH Hoàng Trung theo các nội dung Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu Công ty TNHH Hoàng Trung vi phạm, yêu cầu Công ty THNH Hoàng Trung dừng ngay việc thực hiện các nội dung đóng cửa mỏ và thu hồi Quyết định chỉ định thầu thực hiện gói thầu đóng cửa mỏ, duy tu công trình, quan trắc môi trường mỏ than khoáng sản than Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ đã cấp cho Công ty TNHH Hoàng Trung.
Đồng thời, xử lý những sai phạm đối với Công ty TNHH Hoàng Trung trong quá trình thực hiện Đề án đóng cửa mỏ; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác tại những khu vực không được phép khai thác và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, những dấu hiệu sai phạm tại mỏ than khoáng sản Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ của Công ty TNHH Hoàng Trung đã rõ nhưng không hiểu vì sao lại không bị các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình xử lý khiến dư luận không khỏi bức xúc?
Theo quy định tại điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ – CP năm 2016 của Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp trạm cân ngay tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác, lắp camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Nhưng trên thực tế, tại khu vực mỏ khai thác xóm Bãi Cả, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu không chấp hành. Vậy cơ sở nào để cơ quan chức năng huyện Yên Thủy và tỉnh Hòa Bình có thể biết được trong suốt 01 năm qua công ty Hoàng Trung đã khai thác và mang đi tiêu thụ bao nhiêu nghìn tấn m3 đất đá và than khoáng sản?.
Thực tế hiện nay, đã có không ít vụ việc lợi dụng việc đóng cửa mỏ để khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất chính. Việc tận thu khoáng sản khi thực hiện đóng cửa mỏ là hoàn toàn chính đáng nhưng để đảm bảo đúng khối lượng, vị trí, đòi hỏi các cơ quan liên quan cần có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả. Việc khai thác tận thu khoáng sản tại xóm Đầm, xã Bảo Hiệu còn nhiều dấu hỏi khi mà nhiều phương tiện máy móc, xe trọng tải lớn hoạt động ngày đêm, việc xác định vị trí khai thác, mốc giới, khối lượng khoáng sản vận chuyển đi chưa được kiểm tra, giám sát hiệu quả. Trong khi đó, người dân thì luôn trong tình trạng bất an lo lắng, vì hoạt động khai thác khoảng sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày của gia đình họ.
Vì vậy, kính đề nghị Tỉnh ủy Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tránh gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Qua đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tình trạng việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản làm ảnh hưởng tới nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân và làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo.
Thu Thủy – Hà Anh