Hà Nội loay hoay với bài toán cứ mưa là ngập – Bài 2: Nguyên nhân nào khiến Hà Nội ngập khi mưa lớn?

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 02:30, 04/06/2022

Moitruong.net.vn – Ngày 29/5/2022, mưa lớn xảy ra vào đầu giờ chiều đã khiến nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội chìm trong biển nước, ngập sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển. Hà Nội cứ mưa là ngập, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng ngập lụt tại Tp. Hà Nội vẫn diễn ra mỗi khi mưa lớn?

Hệ quả của quá trình đô thị hóa

Nhìn nhận về thực trạng Hà Nội cứ mưa là ngập, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

“Chúng ta tiếp tục bê tông hóa mặt đất, san lấp các hồ ao, mà nguy hiểm nhất là san lấp đúng vào các vùng đất trũng, khu vực trước đây có thể trở thành hồ tự nhiên trữ nước khi có mưa to. Khi mặt đất không còn khả năng thẩm thấu, hồ lưu trữ không có, giếng tích tụ nước tức thời cũng không có thì việc cứ mưa là ngập là điều dễ hiểu.”, KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Ngoài ra, KTS Ánh cũng cho rằng cần xem xét lại hiệu quả của hệ thống thoát nước tại Hà Nội, liệu còn phù hợp để thích ứng trong thời điểm hiện tại hay không.

Những trận mưa ngập úng vừa qua, dễ thấy nước sông Tô Lịch, dòng sông để thoát nước nhưng lại không hề dâng cao, trong khi những khu vực xung quanh lại ngập ngụa trong nước.

“Cần đặt ra câu hỏi hệ thống thoát nước ở Hà Nội đang có chuyện gì vậy, các trạm bơm hoạt động ra sao. Tất cả những vấn đề đó chúng ta cần phải xem xét. Ngoài ra cần đánh giá tổng thể dự án thoát nước giai đoạn I, II có giá trị như thế nào, nếu không có tác dụng nữa thì chúng ta phải thay đổi nó”, KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Đi tìm lời giải cho bài toán ngập lụt ở Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội không nên đưa ra những giải pháp mang tính tạm thời mà phải có lộ trình rõ ràng và nên tận dụng thời điểm này khi mà Hà Nội đang bước vào đánh giá những bất cập của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHC1259) sau 10 năm thực hiện.

Cần nhìn thẳng vào những yếu kém của bản quy hoạch đấy để thay đổi nó. Kèm theo đó là nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội.

“Vấn đề là Hà Nội có can đảm nói rằng bộ máy thực hiện quy hoạch, bộ máy thẩm định quy hoạch đang yếu kém”, KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.

Việc phát triển đô thị tại Hà Nội nhanh nhưng chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy, trong đó có vấn đề ngập lụt khi mưa lớn.

Từ thực trạng ao hồ bị san lấp, nhiều công trình mới xây dựng khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng, Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp – giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng, ĐH Kiến trúc Hà Nội đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống ao hồ, đặc biệt là hồ điều tiết đóng vai trò như túi chứa nước tạm thời để giảm tải cho công trình đầu mối.

“Trong nguyên lý thiết kế hệ thống thoát nước mưa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của túi nước tạm thời. Những hồ điều tiết sẽ giảm tải cho các công trình đầu ra, giúp công suất trạm bơm, kích thước đường cống… có thể giảm xuống. Khi xây dựng được các hồ điều tiết, cũng cần vận hành cho tốt, kiểm soát mực nước hồ để tối ưu hiệu quả thu gom nước khi mưa lớn”, Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp phân tích.

Cũng theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp, để các đơn vị vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng ngập úng, TP Hà Nội nên xem xét triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Khi đó, khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, vấn đề úng ngập của Hà Nội là hệ quả của quá trình đô thị hóa, mặc dù Hà Nội đã có 2 pha của dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nhưng tập trung chủ yếu cho lưu vực của sông Tô Lịch 77,5km2, với trận mưa 100mn trong vòng 2 giờ thì cơ bản giải quyết được, tuy nhiên thoát nước không phải chỉ có một lưu vực mà là quan hệ vùng, lưu vực tọa đáy 220km2 chứ không phải chỉ có 77,5km2. Như tôi đã nói, hiện nay thoát nước là cả một lưu vực lớn, mà lưu vực lớn thì tốc độ đô thị hóa ở vùng phía bên ngoài rất nhanh mà năng lực thoát nước hiện nay rất hạn chế.

Ông Lê Vũ Quảng Sương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội phân tích, về quy hoạch, hệ thống thoát nước của Hà Nội được Thủ tướng ban hành theo quyết định 725 quy hoạch hệ thống thoát nước của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mới được khu vực lưu vực sông Tô Lịch 77,5km2. Đặc biệt, ở các vùng đô thị hóa, có thể nhìn thấy, chúng ta không chỉ phát triển tính theo 10 năm, 20 năm mà chúng ta nhìn thấy sự phát triển hàng năm, chứng tỏ sự phát triển đô thị hóa rất nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và đầu tư hệ thống thoát nước nói riêng chưa theo kịp. Một mặt nữa, ở các khu đô thị hiện nay, trước đây đô thị hóa chủ yếu phát triển ở khu ao ruộng, đồng ruộng, với cốt nền như vậy, với những khu đô thị mọc lên sẽ xảy ra tình trạng bê tông hóa, giảm hệ số thấm, khó khăn cho tiêu thoát nước.

Hệ thống thoát nước Thủ đô bị quá tải

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH thoát nước Hà Nội đánh giá, mưa xối xả trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước Thủ đô bị quá tải. Một số điểm phía tây thành phố như Keangnam, Phan Văn Trường và khu Ecohome 3 Đông Ngạc sau 22h nước mới rút hết. “Thực tế, kể cả nước phát triển cũng chưa đủ điều kiện tài chính để thiết kế hệ thống thoát nước với cường độ mưa lớn như vậy”, ông Sơn nói.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, thời tiết đang biến đổi bất thường, nhiệt độ Trái đất nóng lên nên không chỉ Việt Nam mà các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu cũng thường xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. “Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được”, ông Hà nói.

Ông Lê Vũ Quảng Sương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, với khu vực đô thị hóa chúng ta đang bị phụ thuộc vào sông Nhuệ, khi nước sông dâng cao nó ảnh hưởng đến toàn bộ việc tiêu thoát nước chung của cả lưu vực 2 bên sông Nhuệ, lúc đó một mình Trạm bơm Yên Sở chỉ tính toán cho lưu vực sông Tô Lịch lại phải gánh thêm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ, cũng gây ra tình trạng quá tải.

Dự án thoát nước chậm tiến độ, nhiều công trình cản trở dòng chảy

Những năm qua thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư các dự án thoát nước, nhưng một số dự án chưa hoàn thành. Lãnh đạo Công ty Thoát nước dẫn chứng, phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) thoát nước phụ thuộc vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công, dự án cải tạo mương Thụy Khuê dài 1,8 km vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với mục tiêu chống úng cho các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức và đại lộ Thăng Long đã hoàn thành từ năm 2020, nhưng chưa thể hoạt động do chưa làm xong các kênh dẫn nước từ sông Nhuệ về trạm bơm.

Dự án chống ngập nghìn tỷ phía Tây Hà Nội vẫn ngổn ngang.

Thành phố đang triển khai nhiều công trình xây dựng quy mô lớn, một số đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Tại ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, nhà ga tàu điện S12 (dự án metro Nhổn – ga Hà Nội) chậm triển khai đã khiến hệ thống thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng. Bởi để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Đường ống này chưa đáp ứng nhu cầu, làm chậm khả năng tiêu nước.

Bất cập trong đầu tư và quy hoạch mạng lưới thoát nước

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng việc ngập úng của Hà Nội diễn ra theo chu kỳ, vì vậy “lượng mưa lớn” không phản ánh toàn bộ thực trạng thoát nước. “Nhiều khu vực nội thành, hệ thống tiêu nước vẫn được sử dụng từ thời Pháp, đã quá lạc hậu và không đáp ứng được tiêu chuẩn đô thị hiện nay”, ông Hồng nói.

GS Hồng cho rằng do không được đầu tư đúng mức nên các điểm ngập úng có xu hướng giữ nguyên từ năm này qua năm khác. Gần đây, thành phố còn xuất hiện nhiều điểm ngập bất thường tại một số quận mới đang phát triển, dân số tăng nhanh như Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Nếu không đầu tư hợp lý, đây có thể là những điểm ngập nặng tiếp theo sau khu vực nội đô.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá Hà Nội đã đầu tư vào hệ thống thoát nước những năm qua, song hiệu quả chưa rõ ràng. Điều kiện về năng lực, kinh tế có hạn trong khi thành phố có quá nhiều dự án quan trọng khác phải cân nhắc. Việc xây dựng trạm bơm, hệ thống tiêu thoát quá chậm mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh tất yếu xảy ra tình trạng hệ thống thoát nước dù được cải tạo, nâng cấp vẫn không kịp đáp ứng.

Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội thường xuyên ngập lụt là có nhiều quy hoạch khác nhau, thực hiện riêng lẻ. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở, nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp. “Theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch như xây dựng hạ tầng, tiêu nước, thủy lợi, nông nghiệp… sẽ được tích hợp, tiến hành đồng thời. Nếu thực hiện tốt việc này, các đô thị lớn như Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt”, ông nói.

GS.TS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, cũng cho rằng tình trạng ngập úng thường xuyên ở nội thành là thiếu sót trong công tác quy hoạch. Việc tập trung phát triển đô thị nhưng không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước khiến tình hình úng ngập sau hàng chục năm vẫn chưa được cải thiện.

Diện tích mặt nước, cây xanh giảm

GS Liên lo ngại diện tích mặt nước và cây xanh ở Hà Nội ngày càng giảm. Tỷ lệ bê tông hóa ngày càng lớn, nước không thấm được xuống đất phải đổ về chỗ trũng, hình thành điểm ngập úng. “Địa hình Hà Nội là thấp ở trung tâm, cao dần ra phía ngoại thành nên nội thành luôn ngập nặng nhất”, ông Liên nói.

TP Hà Nội chưa có thống kê về tình trạng ao hồ bị lấp, nhưng báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho thấy đã có 17 hồ ở nội thành bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Diện tích mặt nước từ 2.100 ha trước năm 2010 đã giảm còn 1.165 ha vào năm 2015.

Người dân căng băng rôn, phản đối lấp hồ Bà Đồ để làm đất ở.

Đưa ra giải pháp trước mắt, nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng thành phố cần kiểm soát và mở rộng diện tích ao hồ, mặt cỏ trong nội thành để giữ không gian thoát nước, đồng thời sớm hoàn thành các dự án cống, trạm bơm còn dang dở, đầu tư đồng bộ cho hệ thống tiêu nước ở khu đô thị mới.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng đề xuất thành phố đầu tư “bóng khí tượng”, đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao. Đây là công nghệ giúp tính toán, dự báo những khu vực có lượng mưa bất thường để cảnh báo cho người dân cũng như cơ quan chức năng đối phó úng ngập.

Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm chống ngập úng ở các thành phố lớn, như xây bể ngầm trữ nước, đối phó với những hiệu ứng thời tiết bất thường như trận mưa hôm 29/5. Với diện tích tương đương với sân bóng đá, ông Tùng gợi ý bể ngầm này có thể dùng luôn làm nơi tích nước trong mùa khô phục vụ nông nghiệp.

Hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ

Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và một thị xã. Trong đó, 12 quận với diện tích gần 250 km2 thoát nước chủ yếu nhờ hệ thống thoát nước thải chung (gồm nước mưa và nước thải), thoát ra ngoại thành nhờ hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.

Tại lưu vực sông Tô Lịch (77,5 km2) gồm toàn bộ quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần quận Tây Hồ, Thanh Xuân, hệ thống thoát nước đã được đầu tư, cải tạo tương đối hoàn chỉnh, có khả năng đáp ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày. Tuy nhiên, với những trận mưa cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực này vẫn tồn tại một số điểm úng ngập do địa hình thấp, xa nguồn xả.

Lưu vực sông Nhuệ (110 km2) gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, thiếu hồ điều hòa, các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch. Nước mưa chủ yếu tự chảy và phụ thuộc mực nước sông Nhuệ.

Lưu vực Long Biên (62 km2) thoát nước bằng hình thức tự chảy qua mương Nam quốc lộ 5, kênh Tầm Dâu, ra sông Cầu Bây và bơm cưỡng chức ra sông Đuống qua trạm bơm Đông Trù.

Với quận, huyện còn lại, hệ thống thoát nước trên các tỉnh lộ, quốc lộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông, tiêu thoát bằng hình thức tự chảy ra đồng ruộng, ao hồ xung quanh. Có mật độ cống tiêu thoát thấp, nhưng do diện tích đất nền và hồ ao nhiều nên khu vực này ít ngập úng.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận hệ thống thoát nước của thành phố mới được đầu tư xây dựng đồng bộ ở nội thành, nằm trong lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Các quận Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cơ bản chưa được đầu tư xây dựng nên hay bị ngập khi mưa lớn.

Thành phố đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát, nhưng theo ông Công việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 năm, 10 năm tới.

Giang Anh

Giang Anh