Hà Tĩnh: Cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp phát sinh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:30, 20/12/2018
– Sáng ngày (19/12), đoàn giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về chất thải công nghiệp trên địa bàn.
>>> Thanh Hóa: Huy động lực lượng, khẩn trương xử lý sự cố tràn dầu
>>> Quảng Ninh: Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu – Trường đoàn giám sát và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng chủ trì buổi làm việc
Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế (KKT), 3 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, thu hút 77 dự án đầu tư nước ngoài; 22 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, trong đó, 17 cụm đi vào hoạt động; 30 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chưa có KCN, CCN nào có hệ thống xử lý nước thải và được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Quá trình hoạt động, các đơn vị trong các KCN, CCN đã phát sinh một lượng lớn chất thải. Báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh cho thấy, khối lượng chất thải công nghiệp thông thường (CTR) phát sinh tăng dần theo thời gian (năm 2011: 71.486 tấn, năm 2012 là 83.381 tấn, năm 2015: 127.303 tấn, năm 2016 tăng lên 146.398 tấn). Số liệu này chưa tính đến khối lượng chất thải công nghiệp phát sinh của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (trên 1 triệu tấn/năm), Khu liên hợp gang thép Formosa giai đoạn 1 (trên 3,5 triệu tấn/năm). Loại hình CTR chủ yếu là đất đá, tro xỉ, các loại bao bì, chai nhựa, thủy tinh, hóa chất dung môi hữu cơ, gỗ tạp, mẫu kim loại dư thừa…
Chất thải nguy hại (chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm…) lượng phát sinh ngày càng lớn, loại hình đa dạng, thành phần phức tạp. Từ 2008 đến nay, toàn tỉnh có 262 đơn vị đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với tổng khối lượng tối đa hơn 14.134 tấn/năm. Nhìn chung, khối lượng chất thải nguy hại cơ bản được các chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ, hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định.
Loại hình khí thải công nghiệp chủ yếu phát sinh tại các dự án lớn của KKT Vũng Áng như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát sinh tối đa khi vận hành hết công suất là 70 triệu m3/ngày đêm; nhà máy luyện thép Formosa 30 triệu m3/ngày đêm. Hiện 2 dự án này đã hoàn thành và kết nối, truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục đối với khí thải về Sở TN&MT.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đề nghị công tác thông tin về kết quả quan trắc môi trường tại các doanh nghiệp cần được công khai, cập nhật chi tiết hơn. Đồng thời, chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xử phạt vi phạm; các đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện. Một số ý kiến cho rằng, việc nhiều cơ quan, ban ngành cùng phê duyệt, quản lý, giám sát doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường liệu có gây ra những chồng chéo, bất cập. Tại sao chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, CCN và giải pháp khắc phục…
Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Theo đó, Hà Tĩnh có nhiều làng nghề, CCN nhưng không phát sinh nhiều nước thải công nghiệp, chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp lớn, do đó, mặc dù chưa có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn đảm bảo quy định vệ sinh môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: Tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, xử lý những tồn tại; tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về quá trình đầu tư xây dựng, phát triển của tỉnh.
Bích Thuần (t/h)