Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:33, 02/06/2022

Moitruong.net.vn – Đây là chủ đề chính tại Diễn đàn môi trường 2022 do Tạp chí Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức chiều ngày 2/6.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong.

TS Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên & Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn phát biểu khai mạc

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn (CTR) và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo số hiệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 – 70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.

Về vấn đề xử lý rác thải, hiện nay có trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện nay vẫn chưa thu gom được khí mê tan – một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

“Hiện nay, thách thức lớn nhất là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm chế xuất, làng nghề” – ông Hưng nói.

Ông Hưng mong muốn thông qua diễn đàn góp phần truyền thông chính sách nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì cuộc sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện Quốc hội chia sẻ, vấn đề môi trường là một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong hoạt động thiết kế chính sách cũng như trong quá trình giám sát của Quốc hội.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề quan trọng nhất đó là thái độ của doanh nghiệp, người dân, cơ quan công quyền đối với việc quản lý, xử lý chất thải

Về vấn đề quản lý chất thải, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng vấn đề quan trọng nhất đó là thái độ của doanh nghiệp, người dân, cơ quan công quyền đối với vấn đề này như thế nào. Diễn đàn ngày hôm nay, theo ông Nhưỡng, sẽ góp phần quan trọng vào việc xác định lại thái độ của các chủ thể trong xã hội đối với vấn đề quản lý chất thải, giúp các chủ thể trong xã hội nhìn nhận và đánh giá đầy đủ về vấn đề quản lý chất thải.

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật cũng đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt.

CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Ông Thọ cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 47/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2021, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (89%); tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66%.

Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, gồm 381 lò đốt CTR sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 80%). Trên tổng khối lượng CTR sinh hoạt được thu gom, có đến 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Ông Thọ cho biết, việc quản lý chất thải nguy hại (CTNH) ngày càng tốt hơn do thông qua hoạt động kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý CTNH đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đạt khoảng 90% (tăng 5% so với năm 2020), vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%) .

Về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý, chất thải, Nhà nước đã có những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng.

Theo quy định tại Chương VI Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân, bao gồm doanh nghiệp phát sinh chất thải phải có trách nhiệm quản lý chất thải thông qua việc áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ, chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải; cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia khi chuyển giao CTNH, CTR công nghiệp thông thường phải xử lý cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp

Với từng loại hình chất thải, luật cũng có những quy định chi tiết hơn về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý chất thải, cụ thể như: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối

Chủ dự án đầu tư phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định của luật; tổ chức thu gom chất thải và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Với CTR công nghiệp thông thường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn theo quy định; lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường…

“Sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ chất thải ở nước ta đã và đang giúp cho hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải ngày càng tốt hơn”, ông Thọ nhấn mạnh.

Minh Anh

Minh Anh