Hà Nội tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2019
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:35, 19/02/2019
– UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND, Phối hợp, tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất thành phố Hà Nội năm 2019.
>>> Nam Bộ giảm nhiệt, triều cường TPHCM có thể dâng cao
>>> Những “hạt sạn” tại Lễ hội đền Trần Nam Định 2019
TP Hà Nội tổ chức đêm sự kiện Giờ Trái Đất vào ngày 30/3/2019.
Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện phát động, hưởng ứng chiến dịch vào ngày 9-3 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; phối hợp tổ chức đêm sự kiện Giờ trái đất 2019, từ 20h đến 21h30 ngày 30-3, tại khu vực Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.
Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới các cơ quan, tổ chức, các trường học, doanh nghiệp, các hộ gia đình, các khu dân cư tham gia tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch bằng các hình thức: Nhóm tình nguyện viên tuyên truyền trong cộng đồng, đạp xe, chạy bộ; tổ chức các cuộc thi với chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian 1 giờ từ 20g30 đến 21g30 ngày 30-3-2019; dán áp phích, phát tờ rơi tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, trụ sở cơ quan, trường học, khu vực công cộng… Tuyên truyền về ý nghĩa của Chiến dịch Giờ trái đất thông qua các tổ chức chính trị – xã hội tới phường, xã, tổ dân phố.
Tổ chức đêm sự kiện Giờ Trái đất 2019 từ 20g đến 21g30, ngày 30-3-2019 (thứ Bảy) tại khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Đêm sự kiện Giờ Trái đất 2019 được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tập đoàn, tổng công ty; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội thành phố, các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp, tình nguyện viên, sinh viên, học sinh và người dân.
Hoạt động bên lề sự kiện sẽ tiến hành đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong 1h tại các địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố của TP Hà Nội như: đền Ngọc Sơn – tháp Rùa – cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ…; xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn, Hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành thành phố. Mỗi quận, huyện, thị xã chọn một điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng (tuyệt đối không tiến hành tắt đèn tại các khu vực bệnh viện, nhà máy sản xuất, đèn tín hiệu giao thông, đèn đường đảm bảo giao thông, đèn chiếu sáng phục vụ, bảo vệ an ninh tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn thành phố)…
Để thực hiện tốt chiến dịch, thành phố đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội là đơn vị thường trực, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tham mưu thành phố xây dựng kế hoạch tham gia chiến dịch; phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện này. Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, dán áp phích tuyên truyền về Chiến dịch Giờ trái đất 2019…
Linh Hoàng (T/h)