Kiểm lâm Bắc Giang bảo vệ rừng ngày xuân
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:30, 07/02/2019
– Với những người dân Việt Nam, dù đi làm ăn xa ở đâu, khi Tết đến, Xuân về, đều mong muốn được trở về với gia đình, để được gặp gỡ họ hàng, thăm hỏi người thân, tưởng nhớ, tri ơn, thờ cúng tổ tiên… Thế nhưng, những cán bộ Kiểm lâm lại “chạy ngược lên rừng”, cần mẫn ngày, đêm lặng lẽ làm việc để bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng. Sự có mặt của các anh, đã góp phần giữ cho rừng mãi thêm xanh.
>>> Độc đáo ngày Tết của người dân vùng biển
>>> Australia: Cá sấu tràn ra đường vì lũ lớn
Nỗ lực bảo vệ rừng ngày xuân
Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi đến chúc Tết tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm cho biết, với đặc thù công việc của ngành Kiểm lâm, những ngày Tết Nguyên đán, Kiểm lâm Bắc Giang luôn đảm bảo bố trí 50% lực lượng, thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng Chi cục, cũng như tại 09 Hạt Kiểm lâm, 03 Trạm Kiểm soát lâm sản, 15 Trạm Kiểm lâm địa bàn trên địa bàn tỉnh, để kịp thời xử lý khi có tình huống cháy rừng, cũng như các hành vi phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật xảy ra. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã đi thăm, chúc Tết, tặng quà tại các Trạm Kiểm soát lâm sản, Trạm Kiểm lâm địa bàn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đánh giá cao tinh thần làm việc của lãnh đạo các đơn vị cơ sở, cán bộ Kiểm lâm tại các Trạm, khi Tết đến, xuân về, trong hoàn cảnh công tác xa gia đình, công tác tại vùng sâu, vùng xa, đi lại còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tình cảm thiếu thốn, nhưng vẫn nỗ lực ngày, đêm bám rừng, tích cực tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Đón xuân, trực Tết giữa rừng
Ngày mùng 2 Tết, từ thành phố Bắc Giang, chúng tôi ngược lên rừng Tây Yên Tử, tới thăm, chúc Tết tại các Trạm Kiểm lâm địa bàn, thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, Bắc Giang.
Điểm đầu tiên tới là Trạm Kiểm lâm địa bàn Nước Vàng, đóng quân tại thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, nơi có thắng cảnh suối Nước vàng nổi tiếng, đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng xếp hạng di tích.
Rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Bắc Giang
Rót chén trà nóng mời khách, anh Nguyễn Ngọc Thơm, Kiểm lâm viên, Phụ trách ca trực, tỏ ra vui mừng vì có khách từ xa đến thăm, chúc Tết. Anh Thơm chia sẻ: “Hiện nay, Trạm Kiểm lâm địa bàn Nước Vàng được biên chế 01 công chức Kiểm lâm và 01 cán bộ hợp đồng, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 2.500 ha rừng và đất rừng đặc dụng. Ngày Tết, Trạm chia làm 02 ca trực, tôi trực từ 17 giờ, ngày 28 tháng chạp, đến 12 giờ ngày mùng 02 Tết. Trong những ngày Tết chúng tôi đều đến thăm, chúc Tết bà con xung quanh Trạm để thắm chặt tình quân dân, phần khác cũng muốn “hưởng thụ” ké phút giây quây quần không khí Tết trong gia đình”.
Anh Nguyễn Ngọc Thơm (bên trái), Kiểm lâm viên, Phụ trách Trạm Kiểm lâm Nước Vàng triển khai nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng
Chậm rãi hớp ngụm trà nóng, anh Thơm chia sẻ tiếp: “Người dân nơi đây sống tình cảm lắm các anh à, chủ yếu là người dân tộc Dao. Khi biết tôi một mình trực Tết, các hộ dân trong thôn tới bữa là sang gọi tôi đến ăn cơm ngày Tết. Bởi, họ biết vào những ngày thường chúng tôi đã thiếu thốn tình cảm gia đình, quê hương, thì những ngày Tết lại thiếu thốn gấp bội phần, nhưng vì nhiệm vụ, đã gác lại nhiều ước muốn riêng tư, đến đây bảo vệ bình yên cho những cánh rừng, bảo vệ nguồn nước sạch hàng ngày phục vụ người dân địa phương, nên họ đồng cảm với chúng tôi lắm”.
Khi chia tay, anh Thơm chia sẻ thêm: “Tôi quê ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, từ nhà tôi lên đến Trạm 70 km. Với thâm niên 14 năm trong ngành, là bằng ấy năm không có nghỉ Tết, Tết cũng gắn với rừng. Vất vả, khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng niềm vui lớn lao là bảo vệ được rừng; bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương, nên dù vất vả, buồn, nhưng chúng tôi vẫn vui”.
Tới chúc Tết tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Dương, đóng quân tại thôn Đồng Dương, xã An Lạc, huyện Sơn Động, được bao bọc xung quanh bởi đồi, núi điệp trùng, với thảm thực vật phong phú, đa dạng, đâu đó thỉnh thoảng có tiếng chim hót, thánh thót vọng lại, tất cả như hòa quyện với nhau làm cho thiên nhiên, đất trời nơi đây trở nên thanh bình, tĩnh lặng.
Kiểm lâm Bắc Giang tuần tra, bảo vệ rừng
Sau giây phút ngỡ ngàng, đầy cảm súc khi chúng tôi tới thăm, chúc Tết, anh Dương Văn Hưng, Kiểm lâm viên, Phụ trách ca trực chia sẻ: “Tết Nguyên đán, tôi được lãnh đạo đơn vị phân công trực ca 2 tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Dương, từ 12 giờ, ngày mùng 02 Tết, đến hết ngày mùng 06 Tết. Quê tôi ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang, từ nhà đến Trạm 130 km. Tôi gắn bó với nghề đã 06 năm, cả quãng thời gian ấy đón xuân, trực Tết giữa rừng già. Kiểm lâm thường không có thời gian nghỉ Tết; đón Tết với rừng đã thành thông lệ của cán bộ Kiểm lâm”.
“Sáng mùng 02 Tết, khi chào bố, mẹ, vợ, con lên cơ quan trực Tết, con tôi hỏi mẹ là sao Tết bố lại không ở nhà?. Khi ấy, vợ tôi nghẹn lòng không trả lời con ngay được, nêu cháu cứ hỏi suốt là sao Tết bố lại không ở nhà?. Thật lòng, tâm trạng tôi lúc ấy chạnh lòng lắm, nhưng vì công việc, vì sự bình yên của những cánh rừng. Cùng với đó, anh em trực ca 1 đang nóng lòng chờ tôi lên bàn giao ca, để về vui Tết, đón xuân với gia đình, nên tôi chỉ biết ôm con thật chặt lần nữa, rồi tạm biệt gia đình, ngược lên rừng đại ngàn Tây Yên Tử”, anh Hưng chia sẻ thêm.
Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Dương là Trạm vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Động, những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, không có điện, bốn bề chỉ thấy rừng, đường xá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa; hiện nay, thông tin liên lạc, đường đi lại thuận tiện, song công tác bảo vệ rừng, kiểm tra lâm sản trên khâu lưu thông lại vất vả, gian nan hơn gấp bội phần; bởi, lâm tặc rất tinh vi, sảo quyệt, chúng dùng mọi thủ đoạn để chống đối lực lượng Kiểm lâm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng với những quyết tâm, nỗ lực bảo vệ rừng của cán bộ Kiểm lâm nơi đây, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam.
Càng về chiều, không gian trong rừng càng trong lành, bình yên, tĩnh lặng đến lạ, không khí ngày xuân vẫn đang lan tỏa nơi nơi. Khi chia tay các anh, bất chợt lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn từ đâu đó vọng lại giữa đại ngàn Tây Yên Tử nghe du dương, lay động lòng người, nhất lại vào thời điểm Tết đến, xuân về:
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây
Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người.
… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?…”
Thời gian lặng lẽ trôi, những khó khăn, nhọc nhằn vất vả, thiếu thốn luôn được các anh đón nhận và đi qua bằng một tâm thế lặng lẽ và đầy lạc quan, chỉ để thực hiện một lý tưởng lớn lao và kiêm định là bảo vệ mầu xanh đại ngàn.
Dương Đại Tiến