Biệt đội siêu nhân xanh - Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống

Emagazines - Ngày đăng : 03:51, 25/03/2020

Đeo kính, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, không ai nhìn thấy mặt nhưng hễ nhắc đến các chú, các anh, ở khu cách ly ai cũng xúc động đặt cho cái tên “siêu nhân xanh”.

Điều dưỡng Nguyễn Phú Trung làm nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc sức khỏe người dân tại khu cách ly trong Trung đoàn 59 – Ảnh: NAM TRẦN

8h sáng, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung làm nhiệm vụ trực chiến dịch bệnh COVID-19 tại Trung đoàn 59, Sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô sửa soạn bộ quần áo bảo hộ vừa gọi “facetime” cho vợ con.

Từ ngày đảm nhiệm nhiệm vụ trực chiến tại khu vực cách ly, anh em đơn vị bông đùa: “Trung thường xuyên báo cáo vợ”. Còn anh nói đó là cách để vun đắp thêm tình cảm gia đình trong những ngày căng mình chống dịch bệnh.

“Sáng nào tôi cũng gọi điện cho vợ con. Nhìn mặt nhau qua điện thoại thôi cũng giúp mọi người vơi bớt phần nào lo lắng”, anh Trung bộc bạch.

Qua màn hình điện thoại, bé Su – con gái lớn tỏ vẻ dỗi bố. Vừa ngắm con, anh vừa hỏi: “Su có nhớ bố không?”. Bé con lắc đầu rồi lại gật đầu, mắt rươm rướm.

“Đừng giận. Lúc nào xong việc bố về sớm với con. Giờ bố phải đi làm nhiệm vụ rồi, bố chào Su, chào ba mẹ con nhé”, dặn dò vợ con xong anh xin phép tiếp tục công việc thường nhật.

Mặc bộ đồ bảo hộ che chắn kỹ từ đầu đến chân theo quy định, ngày hai lần sáng – chiều, anh đến từng phòng đo thân nhiệt, phát khẩu trang, kiểm tra thường xuyên xem ai có dấu hiệu gì bất thường thì kịp thời báo cáo cho chỉ huy xin ý kiến chỉ đạo.

Những “siêu nhân xanh” đang ngày đêm làm nhiệm vụ, phục vụ bà con từ vùng dịch Hàn Quốc trở về đang cách ly tại Trung đoàn 59 – Ảnh: NAM TRẦN

“Phòng mình gọi các chú, các anh là “siêu nhân xanh”. Không ngại dịch bệnh lây lan, ngày nào các chú cũng đến thăm hỏi chu đáo, ai có triệu chứng hay nhu cầu gì đều báo ngay”, chị Trương Thị Liên (38 tuổi) đang cách ly tại Trung đoàn 59, xúc động chia sẻ.

Nghe đến siêu nhân, những đứa trẻ ở khu vực cách ly thích chí: “Mẹ ơi, các chú là siêu nhân, siêu nhân xanh”.

Về nước từ ngày 27-2, chị Liên cùng 157 công dân Việt Nam (có 5 cháu nhỏ người Hàn gốc Việt) đi về từ vùng dịch được cách ly tại Trung đoàn 59.

Tại đây, đơn vị bố trí 12 phòng ốc với đầy đủ chăn màn, wifi được kéo về kịp thời đảm bảo cho bà con có điều kiện ăn ngủ, giải trí trong thời gian cách ly 14 ngày.

“Bác sĩ thăm khám, anh em bộ đội thì phục vụ chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ. Thiếu miếng giấy vệ sinh các chú cũng đích thân mang đến. Chúng tôi có con nhỏ, các cháu muốn ăn cháo các chú đều chiều, thậm chí trích cả tiền riêng của mình ra mua sữa cho các cháu”, chị Nguyễn Thị Lành (24 tuổi) rưng rưng.

Khu nhà 3 tầng thuộc Trung đoàn 59, nơi có bà con từ Hàn Quốc về cách ly mỗi ngày được vệ sinh, khử trùng 2 lần – Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày đầu tiếp nhận công dân từ Hàn Quốc về, anh em Trung đoàn 59 thay phiên nhau canh gác. Vất vả nhất phải kể đến tổ hậu cần, trời còn tối đen đã phải dậy lo cơm nước, lo từng chiếc móc áo, bàn chải đánh răng, chiếc gối ngủ… miễn sao bà con cảm thấy an tâm, được sẻ chia khi về nước.

“Các cháu ăn được không? Cố gắng ăn lấy sức để về nhà. Chiều nay nắng, cố gắng phơi quần áo ra sao cho khô, sạch sẽ. Tối đi ngủ tắt điện, tiết kiệm điện đấy”, thượng tá Đặng Xuân Trình – trung đoàn trưởng Trung đoàn 59 – đến từng phòng động viên.

Ai cũng hồ hởi đáp lại: “Cơm ngon ạ, cơm trứng, thịt đủ cả ạ. Cháu cảm ơn chú, cảm ơn các anh”.

Cùng chung tay với bộ đội, bà con thay phiên nhau cắt cử người đứng đầu các phòng, nhắc nhở nhau dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh xung quanh lối ra vào và khu vực sân cách ly. Họ còn nhắc nhau thực hiện công tác vệ sinh chung, thực hành tiết kiệm điện.

Những anh nuôi tự tay chuẩn bị và mang những suất cơm phục vụ bà con trong thời gian cách ly – Ảnh: NAM TRẦN

Từ ngày 25-2 đến nay, Trường Quân sự, Bộ tư lệnh Thủ đô tiếp nhận, các ly 752 công dân trở về từ vùng dịch, bao gồm 749 người Việt từ Hàn Quốc trở về, 1 người về từ Trung Quốc và 2 người Việt Nam tự nguyện vào cách ly. Trong đó, bé nhỏ nhất mới chỉ 6 tháng tuổi.

Trường bố trí 3 vòng cách ly nghiêm ngặt. Từ vòng ngoài, người thân các công dân vận chuyển hàng hóa có thể ký gửi tại phòng trực ban. Vòng 2 cách ly tổ công tác, hậu cần khoảng 20 người và vòng 3 là khu cách ly đặc biệt.

Vòng cách ly đặc biệt có hai khu nhà biệt lập, nhà trường điều động 5 cán bộ quân y và hơn 30 người phục vụ trực tiếp kịp thời nắm bắt tâm tư, nhu cầu của công dân. Tất cả ứng trực tại chỗ, không được phép ra ngoài trong thời gian cách ly.

Tròn 10 ngày, thiếu úy Vương Thành Nam mặc bộ đồ kín mít, chạy từ tầng nọ sang tầng kia đưa cơm, vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, đánh răng rửa mặt xong là phải mặc ngay đồ bảo hộ, mùi thuốc khử trùng xộc thẳng mũi. Thiếu úy Nam kể có người bị tróc da, tay chân bong tróc, khó khăn nhưng tất cả tuyệt đối chấp hành.

“Mấy ngày trước nắng nóng, mặc bộ này trèo lên trèo xuống vừa nóng vừa bí, nhưng vì đảm bảo an toàn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Mặc cho đến đêm, nếu không có việc gì có thể cởi ra nhưng sang khu cách ly là phải tuyệt đối”, thiếu úy Nam cho biết.

25 tuổi, vừa lập gia đình, thiếu úy Nam nói do tính chất công việc thường xuyên xa nhà nên gia đình cũng quen dần. Ở nhà vợ chỉ biết động viên chồng hoàn thành tốt công việc sớm về với gia đình.

“Có nhiều khó khăn nhưng tất cả vì công dân của mình. Người phục vụ thực sự vất vả, nhưng được người dân yêu quý giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi. Lướt facebook, thấy bà con đăng tải bài viết rất xúc động về trường, về đội ngũ phục vụ, chụp ảnh chúng tôi khi làm việc… thấy vui và quên đi mệt mỏi nhiều”, thiếu úy Nam chia sẻ.

Khó khăn nhất là số lượng công dân trở về từ vùng dịch rất lớn, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh thủ đô phải cắt cử, thay phiên nhau ứng trực.

Công việc của họ bắt đầu từ 3h sáng, nấu ăn xong phải chia hơn 800 suất cơm cho đến từng túi nhỏ nước mắm, chén canh. Dù chỉ là việc nhỏ nhưng mất khá nhiều công sức, nhân công.

Những chiến sĩ, học viên Trường Quân sự, Bộ tư lệnh Thủ đô làm đủ việc, có mặt thường xuyên, đảm bảo cho bà con cách ly an toàn, khỏe mạnh – Ảnh: NAM TRẦN

Đại tá Nguyễn Mạnh Phú – phó hiệu trưởng Trường Quân sự, Bộ tư lệnh Thủ đô – nói khó khăn nhiều lắm, chưa kể thời tiết diễn biến phức tạp, mưa gió thất thường, nhưng nhà trường vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Chúng tôi phải đảm bảo liên tục, từng hộp cơm mang đến tận phòng cũng phải mất rất nhiều công đoạn đưa chuyển. Từ nước uống, cái tăm, xà phòng, thuốc đánh răng, tất cả nhu cầu thiết yếu tối thiểu của con người đều được chăm lo đầy đủ.

Đặc biệt, với công dân Hàn Quốc, thành phố hỗ trợ mức ăn 100.000 đồng/ngày/người với người nước ngoài đi về từ vùng dịch”, đại tá Phú cho biết.

Ăn xong bữa cơm chiều, tổ tuần tra của Trung đoàn 59 thay ca làm nhiệm vụ canh gác, đảm bảo an toàn cho bà con trong khu vực cách ly. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác, tổ còn làm nhiệm vụ vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết, phân phát từng găng tay, khẩu trang y tế đáp ứng nhu cầu của bà con.

Mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng, anh em thay nhau canh gác từ sáng đến đêm rồi từ đêm cho đến 6h sáng ngày hôm sau.

Thiếu tá Lại Quốc Hải – tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 59 – cho biết những ngày đầu anh em ở đơn vị phải căng mình ứng trực, vận chuyển rất nhiều hàng hóa, đặc biệt hàng hóa chuyển từ sân bay về đơn vị.

“Nhu cầu của bà con rất nhiều, trong đối tượng cách ly có các cháu nhỏ, chúng tôi phải cố gắng đảm bảo môi trường, điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho bà con”, thiếu tá Hải cho biết.

Gọi nhiệm vụ của mình là “canh gác cho bà con ngủ nghỉ, vui chơi, ngày thường cũng như ngày nghỉ, mọi lúc mọi nơi”, thượng úy Bạch Trọng Đại – đại đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 59 – nói anh em chẳng nề hà gì vất vả.

Đúng 21h, một tổ công tác được cắt cử đi tuần tra hiệp thương với lực lượng dân quân trên địa bàn thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) nơi đơn vị đóng quân. Đêm hôm mưa phùn rét mướt, anh em vẫn căng mình tuần tra.

“Nhiệm vụ chung mà. Phải đi tuần tra, nắm bắt tư tưởng và tuyên truyền cho bà con hiểu. Chúng tôi không muốn dùng từ cách ly, thay vào đó là theo dõi sức khỏe, các công dân Việt về đây được theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày”, dân quân Đào Xuân Bình trải lòng.

Các chiến sĩ bộ đội Trung đoàn 59 ngày đêm canh gác, phục vụ mọi lúc cho bà con – Ảnh: NAM TRẦN

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ