TP.HCM chi gần 30 tỷ vớt rác, lục bình trên kênh rạch

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:32, 03/03/2019

Moitruong.net.vn – UBND TP.HCM có công văn đồng ý chi hơn 28 tỉ đồng vớt lục bình, rong rỏ, rác thải trôi nổi trên toàn bộ tuyến kênh ở TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM đồng ý chi hơn 28 tỷ đồng cho việc vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trôi nổi trên toàn bộ các tuyến kênh: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Đôi – Tẻ, Tàu Hũ và rạch Bến Nghé trong năm 2019.

Tổng chiều dài 4 con kênh vào khoảng 25 km. Trung bình mỗi ngày vớt được từ 10 – 40 tấn rác. Các ngày lễ, tết thì khối lượng rác tăng đột biến, từ 60 – 80 tấn. Trong thành phần rác thải trên kênh, rác thải sinh hoạt và túi nilon, mút xốp chiếm đến 70%, còn lại là cỏ, lục bình.

Công nhân đang thực hiện vớt lục bình. Ảnh Thanh niên

Toàn bộ lượng rác được đưa về khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) chôn lấp.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, hàng năm TP chi 1.150 tỷ đồng cho công tác nạo vét cống; 2.848 tỷ đồng cho việc quét rác (700 tỷ đồng), vận chuyển rác (553 tỷ đồng), phân loại rác (88 tỷ đồng), xử lý rác (hơn 1.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên tại các miệng hố ga thu nước, kênh rạch trên địa bàn TP vẫn tràn ngập rác, có những con rạch rác đầy đến nỗi người đi qua được.

TP HCM hiện có khoảng 170 kênh rạch với gần 700 km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài số lục bình tại chỗ, số khác theo dòng nước di chuyển từ đầu nguồn thuộc các tỉnh lân cận đã khiến sông rạch Sài Gòn ngập tràn lục bình.

Những con kênh, rạch đang ngày càng “chết dần chết mòn” vì rác thải, bao bì, nylon đang là bài toán nhức nhối cho chính quyền và người dân TP.HCM trong những năm gần đây. Vấn nạn “ô nhiễm trắng” luôn luôn là mối đe dọa khủng khiếp tới cuộc sống và sức khỏe của người dân trong TP.

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)