Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Cảng cá Lạch Bạng – Thanh Hóa: Bài 1: Vấn nạn dai dẳng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:25, 10/06/2022
VIDEO: Thanh Hóa: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Cảng cá Lạch Bạng
Theo phản ánh của người dân 2 phường Hải Thanh và phường Hải Bình tới phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, phóng viên (PV) đã có mặt tại Cảng cá Lạch Bạng để “mục sở thị” mức độ ô nhiễm của khu vực này. Khi đến địa phận phường Hải Bình, phóng viên hỏi thăm đường vào cảng, một người dân sống gần đó băn khoăn: “Cháu vào đó có việc gì không? Không có phận sự gì thì đừng có vào, rồi không thở được đâu, mặc quần áo đẹp thế này nó ám vào cho về giặt không biết lúc nào mới hết được mùi”. Theo biển chỉ dẫn, còn 1km nữa là đến Cảng cá Lạch Bạng, bầu không khí bao quanh PV lúc này là mùi hôi thối, tanh nồng làm cho PV cảm thấy đau đầu, choáng váng.
Cảng cá Lạch Bạng được đầu tư xây dựng vào tháng 10/2003 và mở rộng vào năm 2010, nằm trên địa bàn 2 phường Hải Thanh và phường Hải Bình.
Khắp không gian của phường Hải Thanh, phường Hải Bình đều bị bao phủ bởi mùi hôi thối, nó âm ỉ, gây cảm giác khó chịu và mệt mỏi. Chị H, một người dân phơi cá gần đó ngao ngán: “Mệt mỏi lắm chú ạ, nhưng rồi cũng phải tập làm quen thôi, chú thấy trời nóng thế này mà lúc nào tôi cũng phải đeo 2 khẩu trang để bớt ngửi thấy mùi thối đấy, chúng tôi cũng phản ánh lên chính quyền nhiều rồi mà có thay đổi được gì đâu!”.
Có mặt tại Cảng cá Lạch Bạng vào đúng buổi trưa nắng nóng, đi dọc theo tuyến đê sông Bạng, PV thấy có hàng trăm tàu thuyền đang neo đậu, suốt chiều dài khoảng 2km của bờ lạch, rác thải ngổn ngang, nước đen kịt, sủi bọt trắng, sặc sụa mùi thối, ruồi nhặng bu bám khắp nơi. Mỗi khi có gió thổi, mùi xú uế lại bốc lên nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Chị L.Th.Q tổ dân phố Tân Vinh, phường Hải Bình, chia sẻ. “Tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng đã diễn ra từ nhiều năm nay, thậm chí có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Rác thải sinh hoạt, rác từ các chuyến đi biển được người dân vô tư xả ra cảng, đá lạnh bẩn, nước đá ướp cá tôm cũng được đổ ra đây, nước rỉ từ hải sản rất tanh cũng chẳng ai thèm xối rửa. Thậm chí, người dân còn đổ cả tấn hải sản kém chất lượng ra cảng cá khiến không khí nơi đây ô nhiễm nặng, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, gió đông thổi, mùi hôi thối bốc lên không ai thở nổi. Vấn đề này xảy ra nhiều năm nay, chúng tôi đã làm đơn lên phường, nhưng phường không giải quyết dứt điểm được”.
Bà Nguyễn Thị Quy, tổ dân phố Liên Hưng, phường Hải Bình, cho biết: “Môi trường ở cảng cá ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa hè, lượng hải sản tăng, người ta phơi cá, xay bột cá, mùi nước thải cùng khói từ các nhà máy chế biến hải sản tra tấn chúng tôi, sức khỏe người dân ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chả nói đâu xa, ngay ở tổ dân phố tôi ở và mấy tổ dân phố bên cạnh, vài năm trở lại đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị bệnh phổi, rồi bệnh ung thư, nguyên nhân do đâu thì vẫn là dấu hỏi lớn!”. “Vì gắn bó với sông nước nên cực chẳng đã chúng tôi phải “sống chung với lũ”, chứ biết kêu ai?” bà Quy thở dài.
Nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản thải trực tiếp ra cảng Lạch Bạng gây ô nhiễm môi trường.
Đi dọc bờ sông, đoạn qua phường Hải Bình, PV thấy, có một cống bê tông lớn xây dựng với mục đích tiêu thoát nước sinh hoạt và nước mưa cho nhân dân mỗi khi có mưa lớn. Nhưng hiện nay, cống bê tông đó ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước cho nhân dân còn trở thành cống xả nước thải của các nhà máy và cơ sở chế biến hải sản gần đó. Qua quan sát, PV thấy nước thải có màu trắng đục, chảy thành dòng. Điều đáng nói là dòng nước đó còn bốc mùi hôi thối cực kỳ khó chịu. Khi được hỏi về nguồn gây ô nhiễm ở Cảng cá Lạch Bạng, đa số câu trả lời của người dân địa phương là: Ngoài ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém thì nguyên nhân chính là do các nhà máy, cơ sở chế biến hải sản tại đây đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn phường Hải Bình có 3 công ty chế biến hải sản, gồm, Công ty CP TM vận tải và chế biến hải sản Long Hải (Công ty Long Hải); Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn); Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa. Các công ty này chủ yếu là chế biến chả cá, bột cá. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất là cá tươi thu mua tại bến neo đậu tàu thuyền của Cảng cá Lạch Bạng và các cảng lân cận. Ngoài ra, còn hàng chục cơ sở sơ chế hải sản nhỏ lẻ, tự phát của người dân dựng lên xung quanh cảng.
Bà Nguyễn Thị Xy, tổ dân phố Liên Đình, phường Hải Bình bức xúc. “Một bộ phận người dân có ý thức rất kém, mặc dù chính quyền đã nghiêm cấm việc đổ rác, nước thải bừa bãi, nhưng họ vẫn cố tình làm. Nhiều hộ sản xuất, chế biến hải sản thì vô tư xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn nạn này đã trở thành căn bệnh cố hữu rồi, bởi vậy, tôi thiết nghĩ chính quyền phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn thì mới chấn chỉnh được”.
Rác thải bủa vây cảng cá Lạch Bạng.
Việc ô nhiễm về nguồn nước ở khu vực này đã đe dọa trực tiếp đến môi trường sống không chỉ cho người dân mà còn ảnh hưởng tới sinh vật biển. Chị N, một ngư dân bám biển đã hơn 10 năm cho biết, nhiều năm trở lại đây một số sinh vật như tôm, cua, cá ở khu vực này giảm đi trông thấy, nếu 5-10 năm trước một chuyến tàu ra khơi đánh bắt được cả tấn, thì nay chỉ tính bằng tạ. Đặc biệt, các loại ốc, sò sống trên bãi cát lại vô cùng hiếm, chú thử đi mót cả ngày trên bãi cát có khi cũng không được con nào, lý do là rác thải do ngư dân sinh hoạt thải ra phủ hết bề mặt cát, sự sống nào tồn tại được.
Được biết, Cảng cá Lạch Bạng nằm trên địa bàn 2 phường Hải Thanh và phường Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là một trong những cảng cá lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Cảng được đầu tư xây dựng vào tháng 10/2003 và mở rộng vào năm 2010. Đây là điểm trung chuyển thiết yếu các loại thủy – hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực. Thế nhưng, nhiều năm nay, cảng này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước khi quy hoạch Cảng cá Lạch Bạng, chính quyền địa phương đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thọ Dương (phường Hải Bình) làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Khu xử lý chất thải tập trung. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Thọ Dương chưa thực hiện được trách nhiệm như đã cam kết.
Nguyễn Trường – Sơn Hà