[Góc nhìn tuần qua] Bảo hiểm xã hội – Điểm tựa của bạn và gia đình

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 22:00, 10/06/2022

Moitruong.net.vn – Hiện nay, cả nước có khoảng 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Dù vượt gần 2% so với chỉ tiêu được giao của cơ quan BHXH nhưng vẫn còn hàng chục triệu lao động chưa hiểu hết được giá trị khi có lương hưu. Các địa phương đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đây là “tấm thẻ” an sinh vững chắc cho người dân khi về già.


XEM VIDEO: Góc nhìn tuần qua: Bảo hiểm xã hội – Điểm tựa của bạn và gia đình

Giả định người lao động lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất 297 nghìn đồng/tháng thì tổng số tiền đóng BHXH trong 20 năm là khoảng 75,2 triệu đồng. Dự kiến người tham gia có thể hưởng chế độ hưu trí trong 20 năm thì lao động nam có thể hưởng tới 622 triệu đồng, lao động nữ tới gần 739 triệu đồng, trong đó gồm lương hưu hàng tháng, BHYT và trợ cấp tử tuất.

Để mở rộng diện bao phủ an sinh tại những vùng khó khăn, BHXH các địa phương đã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn được tham gia vào lưới an sinh này.

BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, đối với bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tại một số nơi vẫn chưa có điều kiện được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội này. Điều này đòi hỏi cán bộ BHXH tại địa phương phải vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Theo các chuyên gia, để phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các tỉnh miền núi, bảo hiểm xã hội các địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư. Trong đó, quan tâm tới nhóm đối tượng chính là những người dân có mức thu nhập ổn định, các gia đình có thu nhập từ sản xuất kinh tế trang trại; đồi rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… Mặt khác, chủ động trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu bảo hiểm xã hội và đặc biệt là các già làng, trưởng bản tại mỗi địa phương và ở từng địa bàn dân cư.

“Bảo hiểm xã hội – Điểm tựa của bạn và gia đình” là thông điệp đang được truyền thông mạnh mẽ để người dân, lao động tự do, kể cả các hộ nghèo hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Mỗi người có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội với hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện, hướng tới một tuổi già có lương hưu, an nhàn và không phụ thuộc.

Tính đến hết ngày 31/12/2021 toàn ngành BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân đã chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền gần 30.804 tỷ đồng.

Việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn

Ban Biên tập Moitruong.net.vn