Quảng Bình: Tiếp nhận 2 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm từ người dân
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:00, 12/06/2022
Cụ thể, cá thể Rùa hộp trán vàng Miền Bắc được ông Nguyễn Văn Hiệu trú tại Thôn 6, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tự nguyện giao nộp. Theo ông Hiệu, khoảng 17h00 ngày 08/6/2022, gia đình ông phát hiện có một cá thể Rùa vào nhà nên đã bắt giữ lại. Ngay sau đó, ông đã liên hệ tới Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật để giao nộp, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên. Tại thời điểm tiếp nhận, cá thể Rùa có vết thương trên đỉnh mai.
Cá thể Rùa hộp trán vàng Miền Bắc được ông Hiệu trú tự nguyện giao nộp. Thời điểm tiếp nhận, cá thể Rùa có vết thương trên đỉnh mai.
Cá thể Khỉ đuôi lợn được ông Dương Tùng Phương trú tại Thôn Võ Thuận 2, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch nuôi từ lúc còn nhỏ. Nhận thức việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật nên ông Phương đã chủ động liên hệ tới Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật để bàn giao cá thể khỉ nói trên. Tại thời điểm tiếp nhận cá thể khỉ đã suy giảm tập tính hoang dã do bị nuôi nhốt lâu ngày.
Cá thể Khỉ đuôi lợn được ông Phương nuôi từ lúc còn nhỏ, nhận thức việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật nên ông Phương đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Được biết Rùa hộp trán vàng Miền Bắc là loài thuộc nhóm IB, Khỉ đuôi lợn thuộc nhóm IIB, đều là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ).
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiếp nhận 10 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong đó phần lớn là từ người dân tự nguyện giao nộp cho các cơ quan chức năng để chăm sóc cứu hộ.
Minh Tâm