Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét vấn đề nhà ở cho công nhân
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 07:30, 13/06/2022
Công nhân Nguyễn Đình Biên, sinh năm 1986, Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An đưa ra vấn đề, hiện nay, anh chị công nhân chúng cháu luôn hăng say lao động sản xuất với mong muốn đem lại thu nhập ngày càng cao doanh nghiệp ngày càng phát triển, đất nước ngày càng đổi mới đi lên. Tuy nhiên, đời sống của công nhân chúng cháu hiện tại còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, khiến chúng cháu không an tâm làm việc, trong đó có vấn đề về nhà ở và trường học cho các con. Cháu kính đề nghị bác Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt về việc quy hoạch triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi văn nghệ cho công nhân, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Theo bản thân cháu biết, hiện tại, có nhiều đơn vị doanh nghiệp và tổ chức công đoàn muốn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân của mình thuê, thậm chí ở miễn phí nhưng chưa có cơ chế, trong khi đó, bản thân chúng cháu phải đi thuê những căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp, giá đắt đỏ và xa nơi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đúng là vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng này của anh em công nhân. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này.
Thủ tướng cho hay, vẫn còn băn khoăn vấn đề này như về chủ trương, chính sách, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên câu chuyện nằm ở đâu?. Vừa qua Thủ tướng vừa đi một số nơi, đặc biệt là sáng 12/6, Thủ tướng có đi tới khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Vân Chung. Thủ tướng thấy, xây dựng rất tốt nhưng bản chất của vấn đề đã giải quyết được chưa?
Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có an cư thì mới lạc nghiệp, là quyền được có nhà ở. Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách ưu đãi như cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi…
Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.
Qua việc trao đổi, hiện vấn đề này đang vướng về pháp lý, đó là một số luật, Nghị định 49, 100 cũng có vướng.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất có thể giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân sáng 12/6.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm và chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Có thể nói, trong giai đoạn 2016-2021, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định của chương trình này.
Cụ thể, trong giai đoạn này, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.
Chúng ta cũng biết, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, nhất là hiện nay khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thức đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Có thể nói các chỉ đạo của Thủ tướng tập trung vào một số nhóm vấn đề:
Thứ nhất, đó là công tác hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư. Vấn đề này, trong thời gian qua, giai đoạn từ 2021 đến nay, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đã được sửa đổi tại Nghị định 49; sửa đổi Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 35 về phát triển các khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính.
Trong quá trình sửa đổi này, nổi lên một số chính sách quan trọng tác động, thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Thứ nhất là làm sao dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 20% trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; qua trao đổi với UBND các địa phương, tùy từng tình hình thực tế cũng sẽ dành quỹ đất đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ hai, các chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được các địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần các hạ tầng, kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trong các dự án này…
Thứ ba, nhóm vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong vấn đề thực hiện đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như lựa chọn các đối tượng một cách thuận lợi cho cả chủ đầu tư và công nhân tham gia thuê, mua nhà.
Thứ tư, nhóm vấn đề hỗ trợ cho các chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế công đoàn. Theo đó, có tham gia vào các hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư dự án nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ, đối với nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này. Theo đó có 2 nhóm chính sách được bổ sung, nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ. Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới. Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm.
Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với các địa phương, đôn đốc các địa phương. Hiện nay, đoàn đã làm việc với 14 địa phương thì đều thấy, các địa phương đang rất tích cực triển khai các dự án này.
Hiện nay, theo kết quả ban đầu, đối với nhà ở cho công nhân đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Với kết quả này, chúng tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện.
Anh Phạm Văn Lực, Chủ đầu tư nhà ở công nhân Vân Chung thông tin, hiện tại, chúng tôi có 2 nội dung chính còn vướng mắc, đó là vấn đề liên quan xác định đối tượng thuê, giá bán, giá cho thuê, việc này gặp nhiều khó khăn.
Vướng ở khâu tổ chức thực hiện, mặc dù chúng tôi phối hợp với tỉnh Bắc Giang rất chặt chẽ, nhưng về luật, chúng tôi mong Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành sửa đổi các thủ tục hành chính tốt hơn, để không gây ảnh hưởng đến việc vi phạm pháp luật sau này.
Cụ thể, việc xác định miễn nhiệm việc sử dụng thuế đất giữa Sở Tài nguyên môi trường và đơn vị thuế.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang giải trình, qua nghe báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 1 trong 10 nhóm vấn đề chính của công nhân là vấn đề nhà ở cho công nhân.
Hiện nay, có 250.000 công nhân ở sinh hoạt ở Bắc Giang, trong đó có 1/3 công nhân từ các địa phương khác nên nhu cầu nhà ở rất nhiều. Bắc Giang hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Nếu triển khai được 14 dự án này sẽ giải quyết được khoảng 110.000 công nhân có nhà ở.
Đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. Nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm… di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Thứ hai là việc xác định giá để thuê. Hiện nay, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa cụ thể.
Thứ ba là việc miễn giảm tiền thuê đất, đối với Bắc Giang cũng như nhiều địa phương, muốn kiến nghị tới Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra nhiều điểm vướng mắc, vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được Tổng Liên đoàn đau đáu từ mấy năm nay trong quá trình thực hiện Đề án do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 655 và Quyết định 1729 thì thấy rằng có nhiều điểm vướng.
Thứ nhất, vướng tại Luật Đất đai, quy định giao đất sạch có giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội nhưng sẽ phải đấu thầu nhưng giá đấu thầu như nào thì vướng Luật đất đai.
Thứ hai là vướng về Luật Nhà ở như anh Hoàng Văn Thái đã báo cáo phía trên.
Thứ ba, hiện nay việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nhà nước vì vướng Luật đầu tư công.
Nhà ở hiện nay chỉ duy nhất Bộ Xây dựng được giao nhà công vụ, còn lại các loại hình nhà ở khác triển khai trong các khu doanh nghiệp, các tỉnh muốn đầu tư cũng không đầu tư được, các cơ quan bộ, ngành cũng không tham gia được. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản còn liên quan đến việc vận hành tòa nhà sau khi xây dựng…
Chúng tôi đã làm việc và bàn bạc với Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ báo báo Thủ tướng để trong thời gian tới sẽ sửa đổi.
Vấn đề nhà ở được nhiều công nhân quan tâm trong chương trình “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy, Công ty TOTO Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội quan tâm đến vấn đề tiền hỗ trợ thuê nhà, để bảo đảm đời sống người lao động, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời rất chi tiết về vấn đề này, có thể nói 2 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh dạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động và người yếu thế.
Bộ LĐTB&XH đã phối hợp rất chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các Bộ như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ, ban hành sớm nhất và chúng tôi cho rằng triển khai hiệu quả nhất. Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Cho đến nay, tổng kết 2 Nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng 81.000 tỷ. Đây là con số chưa từng có từ trước đến nay. Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách thì chỉ còn 1 nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo đến 31/6/2022 sẽ kết thúc, còn tất cả 11 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động đã kết thúc.
Còn Nghị quyết 116/NQ-CP cho đến nay còn 2 đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp sẽ phấn đấu báo cáo Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hỗ trợ nốt.
Như vậy có thể thấy các chính sách được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với lao động và con em công nhân lao động là nội dung được chúng tôi rất quan tâm trong xây dựng chính sách. Tất cả các cháu mồ côi cha mẹ đều có chính sách riêng.
Tổ chức UNICEF đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới. Trẻ em có mẹ là F1, F0 sinh ra các cháu trong thời điểm dịch COVID-19 cũng được hỗ trợ; phụ nữ, người cao tuổi cũng đều có chính sách hỗ trợ.
Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19. Đây là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành phố đã tập hợp xong danh sách này.
Chúng tôi dự kiến sau khi địa phương tập hợp lên, khoảng 3,4 triệu lượt người sẽ được hỗ trợ, chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là hỗ trợ người kiên trì bám trụ sản xuất từ ngày 1/2 đến 30/6; nhóm thứ hai là hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất từ ngày 1/4 đến 30/6.
Hiện nay, ở các địa phương đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số lý do: Thứ nhất là chúng tôi đề nghị thì rất nhanh, rất gọn nhưng nhiều địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai. Thứ hai là chính sách cho phép có thể nhận theo tháng hoặc nhận một lần 3 tháng nhưng có một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận 3 tháng, như vậy từ tháng 4 đến nay thì hết tháng 6 mới nhận một lần. Thứ ba là một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ươnng để hỗ trợ cho người lao động.
Bộ LĐTB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm đến 15/8 sẽ kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất theo đúng quy định.
Bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình. “Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng. Tôi nói thế có được không?”, Thủ tướng nói.
Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.
Giang Anh