Làng tái chế, cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường – Bài 2: Để lại nhiều hệ lụy

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:32, 14/06/2022

Moitruong.net.vn – Những làng nghề tái chế, cơ sở tái chế hàng năm “ngốn” hàng ngàn tấn sản phẩm thải bỏ để tái chế thành những sản phẩm mới, tuy nhiên, hoạt động này cũng gây hệ lụy không nhỏ tới môi trường.

Làng nghề tái chế, cơ sở tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc khép kín chu trình vòng đời một loại sản phẩm. Họ mua phế liệu từ đồng nát, bãi phế liệu hoặc từ các nguồn nhập khẩu và tái chế chúng thành nguyên liệu thô để sản xuất tiếp hoặc sản phẩm hoàn chỉnh rồi bán trở lại thị trường. Hình thức hoạt động trong làng nghề tái chế đa dạng từ cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, có thể hoạt động có đăng ký hoặc không đăng ký.

Hiện làng nghề tái chế được phân chia thành 3 nhóm ngành tái chế cơ bản: tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa. Trong đó, tái chế giấy là một trong những nghề tiểu thủ công nghiệp được phát triển với quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở Bắc Ninh. Nhóm làng tái chế kim loại tập trung đông các làng nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất sắt thép như làng Vân Chàng, làng Xuân Tiến (Nam Định), làng Đa Sỹ (Hà Nội), làng Đa Hội (Bắc Ninh), làng La Khê (Bình Định)… Cùng với sự phát triển làng nghề tái chế kim loại là sự phát triển của 80 làng nghề cơ khí nhỏ, tái sử dụng các sản phẩm tái chế sắt thép như Dục Tú (Đông Anh), làng Cầu Vực (Thừa Thiên – Huế)…

Công nghệ tái chế kim loại ở các làng này tập trung chủ yếu giải quyết lượng sắt thép, phế liệu, các đồ gia dụng, chi tiết máy bằng thép cũ hỏng, hay các vật dụng phế liệu từ kim loại… Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam từ các phế liệu này, hàng năm đã đưa ra thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc hàng trăm nghìn tấn sắt thép xây dựng, các sản phẩm mỹ nghệ, đồ dùng, dụng cụ gia dụng…

Nhóm làng tái chế nhựa tập trung nhiều ở miền Bắc như làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Hưng Yên), Tràng Minh (Hải Phòng), Phú Xuyên (Hà Tây), Triều Khúc, Trung Văn (Hà Nội)… Bên cạnh các hộ gia đình sản xuất tái chế còn có các hộ gia tham gia thu gom, phân loại, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Đó là, làng Phú Xuyên (Hà Nội), Tràng Minh (Kiến An, Hải Phòng), Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) làng Tào Phú, Tề Lỗ (Vĩnh Phúc)… Nhựa nguyên liệu được thu gom từ nhiều địa phương thông qua mạng lưới thu gom phế liệu từ các tỉnh thành trong cả nước. Các chất thải này sau khi thu gom thường được phân loại thành các loại nhựa HDPE, PP, PS, PET…

Đặc điểm cơ bản của các làng nghề tái chế, cơ sở tái chế tại Việt Nam là công nghệ sản xuất mang tính thủ công, nguyên vật liệu đầu vào hầu hết là phế liệu không được làm sạch, đa số các cơ sở sản xuất đều không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và bảo hộ lao động cần thiết. Do vậy, các làng nghề tái chế, cơ sở tái chế đã và đang gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Mảnh đất này trước kia là ruộng lúa, giờ thành nơi chứa rác thải từ các lò luyện nhôm thủ công.

Gây ô nhiễm lớn nhất phải kể đến làng nghề tái chế kim loại. Quá trình tái chế, gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm thường vượt quy chuẩn cho phép. Đơn cử như Làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tại Văn Môn, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 30 – 40 tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,8 lần. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (pH, BOD5, COD, SS, Fe, Cu, Ni, Pb, dầu mỡ) cao hơn chuẩn cho phép từ 1,5 – 16 lần…

Tái chế nhựa cũng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các loại nhựa trong đời sống và nhu cầu sử dụng nhựa phế liệu trong sản xuất là tương đối cao, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn nhựa phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam bị hạn chế. Một số làng nghề tái chế như làng nghề Minh Khai và Phan Bôi ở Hưng Yên, làng nghề Triều Khúc ở Hà Nội… đã sử dụng nguyên liệu từ dòng thải để sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế mới. Các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm vi nhựa trầm trọng. Thậm chí, nhiều rác thải khó tái chế còn được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp bừa bãi.

Theo quy định, các làng nghề không tự đầu tư, áp dụng biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường phải di dời vào khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, số làng nghề được quy hoạch trong cụm làng nghề là rất ít (47 làng nghề), hoạt động xử lý chất thải tại các làng nghề còn bỏ ngỏ. Những tồn tại trên đang đặt môi trường làng nghề trước thách thức lớn, cần được quan tâm giải quyết.

Tại các cơ sở tái chế ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) có hàng trăm bao tải, kiện phế liệu được chất thành từng đống lớn ngay trước các xưởng, đường đi trong khu dân cư. Công đoạn tái chế chính ở đây là băm nhỏ phế liệu nhựa bằng máy, đốt nóng và xử lý thành hạt nhựa thô.

Đám cháy dữ dội tại một xưởng nhựa nằm trong làng Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), mùi nhựa cháy từ hiện trường khét lẹt cả một vùng.

Chị Phạm Thu Hiền, phố Đại Linh cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị phải hít thứ khói khét lẹt do việc đốt nhựa của các xưởng tái chế gần nhà gây ra.

Tương tự, tại làng nghề tái chế phế liệu Tân Triều (huyện Thanh Trì), vỉa hè, lòng đường biến thành nơi phơi hạt nhựa, tập kết phế liệu gây cản trở giao thông. Thôn Xà Cầu (huyện Ứng Hòa) có khoảng 800 hộ dân, trong đó hơn 150 hộ thu gom và tái chế phế liệu tại nhà (chủ yếu là tái chế nhựa).

Tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, mỗi ngày, các hộ dân trong thôn nhập khoảng 60 tấn phế liệu từ các địa phương khác. Hoạt động tái chế diễn ra trong khu dân cư, nước thải trong quá trình rửa phế liệu đang gây ô nhiễm nặng nguồn nước.

Không chỉ các làng nghề tái chế đang bị ô nhiễm, mà các làng nghề sản xuất từ sản phẩm tái chế cũng ô nhiễm trầm trọng. Làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là ví dụ. Ngay từ đầu làng, hàng chục ống khói đen nghi ngút bốc lên. Các ngả đường luôn tấp nập cảnh ô tô tải ra, vào xuất, nhập hàng. Đi sâu vào trong làng, nước thải, bụi và rác do làng nghề thải ra đường làng, ngõ xóm gây ô nhiễm trầm trọng.

Làng nghề Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), những “núi” phế liệu chất cao dọc hai bên đường làng – là nguyên liệu làm nên nhiều sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Làng Minh Khai hiện có 868 hộ gia đình tham gia thu mua, phân loại, sơ chế, tái chế phế liệu nhựa, trong đó có khoảng 480 hộ trực tiếp sản xuất nhựa với công đoạn giặt, rửa, đùn, ép, tạo hạt nhựa từ phế liệu, biến làng nghề thành “công xưởng” khép kín – vừa tái chế vừa sản xuất.

Nước thải từ quá trình này không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000m3/ngày – đêm, cộng với lượng lớn rác thải làng nghề phát sinh khiến môi trường nơi đây luôn ngột ngạt.

Vấn đề nhức nhối đặt ra hiện nay là làm cách nào quản lý được nguồn nước thải đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề tại các làng nghề tái chế phế liệu này?

Nước thải từ một làng nghề ven Hà Nội thải ra.

Theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm việc các làng nghề tái chế thường sử dụng công nghệ sản xuất mang tính thủ công, không có biện pháp xử lý chất thải và bảo hộ lao động cần thiết, nguyên liệu đầu vào hầu hết là phế thải không sạch… Thêm vào đó, phần lớn hoạt động tái chế tại các làng nghề còn diễn ra một cách tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không tuân thủ một mô hình khoa học hay quy trình tái chế chuẩn hoá nào.

Trở thành một khu sản xuất khổng lồ giữa khu dân cư, nhưng trong suốt quá trình tái chế phế liệu, chất thải lại không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Chính vì vậy, những con mương đi qua phường Trung Văn lúc nào cũng đen ngòm, hôi thối. Thêm vào đó là nạn rác thải, đặc biệt là phế phẩm công nghiệp khiến cho ruồi muỗi và chuột làm tổ khắp con mương.

Người làng Trung Văn than thở rằng, trước đây khi xã chưa lên phường, đường chưa thành phố thì còn đỡ. Bây giờ xã đã lên phường, đường thôn thành đường phố, đất chật người đông lại phải sống chung với mùi hôi thối từ nước thải, mùi khét từ nghề tạo nhựa… đem lại cho họ sự bức bối, chẳng khác gì “sống mòn” giữa Thủ đô.

Do không có khu sản xuất tập trung, đất sản xuất của các hộ làm nghề khá chật chội nên những hộ này đã dựng lều, lán trên đất nông nghiệp để hoạt động, đồng thời cũng không tuân thủ quy định về phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiếng ồn, khói, bụi… gây nhếch nhác, đe dọa an toàn và sức khỏe của người dân.

Ngoài việc địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng thì người dân còn bất an trước nỗi lo hỏa hoạn. Cuối tháng 12/2016, một xưởng tái chế đồ nhựa, túi nilon tại đã bị cháy do công nhân đốt rác trong xưởng. Ngày 12/4/2019 vừa qua, bốn xưởng sản xuất thùng rác nhựa tại phường Trung Văn bốc hỏa do chập điện khiến 8 người thiệt mạng.

Thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn có khoảng 450 cơ sở cô đúc, tái chế nhôm và 100 cơ sở kinh doanh phế liệu. Theo kết quả rà soát và tổng hợp từ mạng quan trắc môi trường tỉnh Bắc Ninh những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Văn Môn chủ yếu phát sinh từ làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm tại Mẫn Xá hiện nay là ô nhiễm không khí. Nguyên nhân chính do nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất là phế liệu, công nghệ tái chế thô sơ, đơn giản, không có các biện pháp giảm thiểu, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong làng và khu vực lân cận. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí nơi đây cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần.

Còn về môi trường nước, nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, sinh hoạt… không được thu gom, xử lý và xả trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương thông qua các hệ thống cống rãnh thoát nước xung quanh làng nghề, trong khi hệ thống thoát nước của địa phương không có hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng thoát nước, dẫn đến nước thải bị ứ đọng lâu ngày, phát sinh mùi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cho thấy, các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.

Về chất thải rắn, trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề Mẫn Xá khoảng hơn 80 tấn chủ yếu gồm xỉ than và xỉ nhôm, trong đó hơn 60 tấn từ công đoạn cô nhôm, 12 tấn từ công đoạn nấu, đúc nhôm, 7 tấn từ công đoạn nấu kẽm và 01 tấn từ công đoạn đúc xoong, nồi. Toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh hiện không được các cơ sở sản xuất thu gom, mà đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh, đặc biệt là tại các khu vực đất trũng (ao, hồ, rãnh thoát nước) và ven các đường giao thông.

Hiện có 07 bãi đổ thải lớn nằm rải rác trong khu vực thôn Mẫn Xá với tổng diện tích khoảng 76.000 m2; làng nghề đang tồn đọng khoảng 300.000 tấn xỉ nhôm được đổ thải bừa bãi xung quanh. Do các bãi đổ thải tập trung thường xuyên quá tải nên diễn ra tình trạng người dân tự đem chất thải ra đổ tại các cánh đồng, các trục đường giao thông liên thôn, liên xã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Giang Anh

Giang Anh