Kinh tế biển trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước – Bài 1: Vị trí, vai trò của kinh tế biển

Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 14/06/2022

Moitruong.net.vn – Ngày 12/6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”, từ đó kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Kinh tế biển có vai trò quan trọng

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “ Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho rằng Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. Đến nay sau hơn 3 năm triển khai, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển, Việt Nam không chỉ đối mặt với những thách thức chung mà còn là một nước đang phát triển nhanh nên phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường …

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới.

Phát biểu khai mạc Diễn dàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển.

Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành “Chiến lược biển Việt Nam”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỉ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Kinh tế biển là trụ cột để Hải Phòng phát triển bền vững.

Tham luận tại diễn đàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đã chia sẻ, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.

Tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Ngoài ra, vùng biển Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về NTHS với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như rong tảo, trai ngọc, tôm hùm, các loại cá biển, nhuyễn thể,… Đây là nguồn cung thực phẩm dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu và dược liệu phong phú cho công nghiệp CBTS xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Vẫn còn đó những hạn chế

Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Từ đó, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững…

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan.

Đó là tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

Ánh Minh

Ánh Minh