Kinh tế biển trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước – Bài 2: Hướng tới phát triển bền vững
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:00, 15/06/2022
Đồng chí Trần Tuấn Anh, đồng chí Phạm Đại Dương cùng các đại biểu lắng nghe ý kiến của các diễn giả tham gia Diễn đàn.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, qua các báo cáo, ý kiến tham luận và phát biểu tại Diễn đàn đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam, nhất là đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những yêu cầu đã đặt ra như vấn đề thể chế hóa, đòi hỏi tính đồng bộ, khả thi của các chính sách và cả nhận thức trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trước những yêu cầu đặt ra, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng thực tiễn đòi hỏi phải phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Để việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW trong thời gian tới có được kết quả như mong đợi, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu: Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển. Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp tục về thể chế hoá các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển. Tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường.
Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển.
Về chiến lược phát triển, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, cụ thể:
Kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường,, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới; triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam; tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Tham luận tại diễn đàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đã chia sẻ, Phú Yên đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh nhằm thống nhất quy hoạch các địa phương ven biển; đầu tư, khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch; hiện đại hóa và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, giao thông, cảng biển, cảnh quan vùng ven biển; chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển của tỉnh.
Tạo lập chính sách hợp lý
Về tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, cần triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ giữa các ngành, địa phương; bố trí ngân sách và nguồn lực nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tại các địa phương có biển. Nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết.
Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trườnng biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển: đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia; triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đảm bảo việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu biển đảo của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Chính sách hợp lý là “đòn bẩy” cho kinh tế biển phát triển.
Về công tác đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, cần tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo. Quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo của các địa phương có biển; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ; Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế. Đầu tư, khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch; nâng cao hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát; đảm bảo sự kết nối chuỗi liên kết du lịch giữa các địa phương có biển để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển.
Nói về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo, nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Tích cực khắc phục và tuân thủ các quy định về “chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo báo và không tuân thủ quy định” để sớm hoàn thành việc gỡ thẻ vàng IUU của Uỷ ban Châu Âu.
Trên cơ sở những nội dung được báo cáo, tham luận, phát biểu, thảo luận, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Ban Tổ chức Diễn đàn tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để tiếp tục giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút, huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mới như: điện gió ngoài khơi, nuôi, đánh bắt xa bờ, tập trung thăm dò, khai thác các loại khoáng sản chiến lược…; khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo…
Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn vươn lên vị trí dẫn đầu, dẫn dắt sự phát triển của ngành, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) nhấn mạnh: Một trong những chủ trương lớn và khâu đột phá tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là ưu tiên kinh tế hàng hải đứng thứ hai trong việc phát triển các ngành kinh tế biển.
Nhằm gia tăng năng lực khai thác, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW “Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”, Tổng công ty tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 03 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép – Thị Vải, ĐBSCL). Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi mới còn chậm do khả năng tiếp cận quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về quỹ đất và giá đất tăng cao. Các doanh nghiệp rất khó xác định, tìm kiếm được khu vực vừa có quỹ đất phù hợp, vừa đảm bảo khả năng kết nối giao thông thuận lợi, vừa nằm gần nguồn hàng, có đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới theo quy định. Vì vậy, VIMC rất mong những khó khăn, vướng mắc này sớm được giải quyết trong thời gian tới.
Ánh Minh