Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 1): Thách thức bắt nguồn từ thiếu nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 15/06/2022
Tây Giang là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Mặc dù là huyện miền núi nhưng Tây Giang có những nét đặc trưng nhờ lưu giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu- cộng đồng chiếm 95% dân số của huyện.
Tây Giang còn là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ đạt 75%, nhờ đó tổng diện tích rừng của địa phương (92.000 ha) đã được bảo vệ, phát triển. Tại đây có nhiều cánh rừng nguyên sinh với các loại cây gỗ quý như: Pơmu, lim, đỗ quyên… và dưới tán rừng, các loại thảo dược quý như: Đẳng Sâm, Ba kích, sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Thất dịp nhất chi hoa, Táo mèo… đang là nguồn nguyên liệu, được người dân gìn giữ, phát triển. Bên cạnh đó, Tây Giang có hệ thống sông, suối, thác, ghềnh đẹp, hoang sơ
Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, chia cắt; có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống; vào mùa mưa bão, lũ ống, lũ quét thường xuyên xuất hiện gây nguy cơ sạt lở, thiệt hại lớn về người, tài sản… Yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của huyện Tây Giang là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế – xã hội để ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu là giải quyết bài toán nước sạch cho người dân ổn định cuộc sống.
Nước sinh hoạt đang là nhu cầu bức thiết ở nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi
Nguồn nước đang dần bị suy kiệt
Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có 5 dòng sông chính chảy qua, trong đó sông A Vương và sông Bung có lưu lượng dòng chảy lớn vào mùa mưa. Ngoài ra, còn có khoảng 100 con suối, khe nhỏ với lưu lượng nước ít. Bước vào thời điểm tháng 4-5 hàng năm, mực nước ở các sông, suối bắt đầu giảm dần, nhiều nơi xuống mức 50% so với lưu lượng chảy bình thường. BĐKH và các nhà máy thủy điện dày đặc ở thượng nguồn đã khiến nguồn nước ngày càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho người dân.
Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cách đây 10 – 12 năm về trước các nguồn nước ở sông suối rất dồi dào. Trong suy nghĩ của người dân vùng cao “nước trời” là không bao giờ cạn. Nhưng giờ đây, thực tế đã hoàn toàn khác. “Tình trạng mất an ninh nguồn nước ngày càng bộc lộ rõ. Ví như ngày xưa đi vào rừng còn thấy nước chảy róc rách trong những con suối, giờ này thì những lòng suối bày trơ đá không còn chút nước, đến cả những con sông lớn nước cũng rút sâu trong những mùa khô.” – ông Linh chia sẻ
Cũng theo ông Linh, thời gian qua địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, về mùa nắng hạn, khe suối ở các xã như Bhalêê, A tiêng, A xan, Ga ri…. hầu như khô kiệt nên nguồn nước cung cấp cho các công trình tự chảy ở các địa phương này hầu như không đủ áp lực về tận bản làng. Ở đồng bằng thiếu nước thì có thể bơm từ dưới sông lên rồi lọc, sử dụng nhưng ở miền núi người dân chỉ biết “ngước mặt lên trời cầu mưa”. Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn cơ ứng phó với với BĐKH, nguồn tài nguyên nước được quản lý và sử dụng đa mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm.
Trong khí đó, suy giảm nguồn nước ngầm đang khiến tình trạng thiếu nước sạch tại huyện huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tình trạng phá rừng đầu nguồn cũng như mở rộng diện tích trồng keo và biến đổi khí hậu, khiến mạch nước ngầm cạn kiệt.
Hiện nay, một số địa phương vùng cao tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện canh tác để giữ mạch nước ngầm cung cấp cho người dân.
Nhiều hệ thống sông, suối lớn ở Quảng Nam cạn kiệt trong mùa khô
Nỗi lo thiếu nước sạch
Như nhiều huyện miền núi khác trong cả nước, thiếu nước sinh hoạt cũng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm Tây Giang.
Thời điểm tháng 4 và tháng 5/2020, hơn 400 hộ dân ở trung tâm huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam không đủ nước sạch sinh hoạt. Nhiều hộ dân ở đây phải dùng chung một ống nước tự chảy, dù biết nguồn nước này không sạch.
Nhớ lại thời điểm này cách đây 2 năm, chị Un Thị Cạnh, ở thôn A G rồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang nói chị và những người dân ở dây không dám giặt quần áo, hạn chế dùng nước trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng theo chị Cạnh cho biết, do thời tiết năm 2020 rất ít mưa nên nước ở các khe suối xung quanh cũng bị cạn kiệt, khiến việc tìm kiếm nguồn nước sạch sinh hoạt rất khó khăn.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất đô thị huyện khẩn trương khắc phục bằng các biện pháp cụ thể. Theo đại diện Ban Quản lý Dự án- Quỹ đất đô thị huyện Tây Giang, vào những thời điểm khó khăn về nước sinh hoạt, thời tiết mưa ít, mỗi ngày, 400 hộ dân ở trung tâm huyện Tây Giang có nhu cầu sử dụng khoảng 1.000m3 nước, nhưng nhà máy nước sạch của huyện chỉ cung cấp khoảng 300-350m3 nước/ngày, đêm.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, những năm trở lại đây, địa phương đã rà soát lại nguồn nước, xây dựng lịch cấp nước theo ngày cho từng khu dân cư, tránh tình trạng xả nước trên diện rộng làm hao hụt nguồn nước. Đồng thời kéo một đường ống dẫn nước tạm dài 8km để tiếp ứng nước vào nhà máy, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân. Ông Trần Minh Tạo, Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất đô thị huyện Tây Giang cho biết thêm, huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà máy nước mới với kinh phí 18 tỷ đồng.
Được biết, các ngành chức năng của địa phương đã thực hiện khảo sát một lượng nước suối trên đầu thượng nguồn ở suối Trà Lê, cách trung tâm huyện 8km có lượng nước đảm bảo. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy nước, huyện đã lập phương án, xin kinh phí của tỉnh khoảng 18 tỷ đồng, dẫn ống nước về huyện. Khi xây dựng nhà máy này, đường ống dẫn về sẽ đấu nối vào hệ thống, sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Thanh Hải