Hà Nội: Tích cực cải thiện chất lượng không khí

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:33, 01/04/2019

Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

– Được cảnh báo là một trong hai thành phố trong khu vực Đông Nam Á có chất lượng không khí dở mức nguy hiểm, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường không khí.  

>>>Hà Nội xếp thứ 2 về ô nhiễm không khí tại Đông Nam Á

>>>Kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng không khí

Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Cạnh đó, điều kiện khí tượng không thuận lợi (nhiệt độ không khí và tốc độ gió thấp, áp suất không khí cao hơn…) đã khiến các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí suy giảm. Thực tế cho thấy, chất lượng môi trường không khí của thành phố đã có biểu hiện suy thoái, nhất là ở các khu vực giao thông.

Hà Nội khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải

Nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô và nâng cao chất lượng sống cho người dân, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Triển khai thực hiện các giải pháp trong Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông; Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông công cộng (xe buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao…) và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải; giảm dần và xóa bỏ các bếp than tổ ong; hạn chế, tiến tới không đốt rơm rạ…

Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng triển khai hiệu quả chương trình trồng 1 triệu cây xanh; nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020; đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải… Ví dụ: Sử dụng nhiên liệu xăng E5 thay thế RON92; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các điểm đen về môi trường…

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư để có một mạng lưới trạm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại ngang tầm khu vực. Hiện, thành phố Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc môi trường cố định và 8 trạm cảm biến quan trắc môi trường không khí từ năm 2016. Các trạm có chức năng quan trắc chất lượng không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí… Tuy nhiên, số trạm quan trắc như vậy vẫn còn khá ít, chưa đại diện cho các khu vực.

Mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư thêm 70 trạm quan trắc không khí (trong đó có 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định). Khi đó, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ có một hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của thành phố. Đây cũng sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lí môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Ngọc Khuê (T/h)